Nhịp cầu nhân ái

Cần lắm những vòng tay nâng đỡ bé gái 7 tuổi ở vùng biên Đắk Nông

Nam Nguyễn 22/05/2025 06:07

Ở tuổi lên 7, khi đáng lẽ được sống vô tư trong vòng tay cha mẹ, được đến trường nô đùa cùng các bạn, thì em Nguyễn Võ Quỳnh Băng, học sinh lớp 1, Trường tiểu học Ama Trang Lơng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) lại phải gánh chịu nỗi đau chia xa, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần...

Giấc mơ có mẹ trở về

Trong căn nhà nhỏ lợp tôn cũ kỹ, nằm ở cuối thôn 3, bon Bu Gia, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), em Nguyễn Võ Quỳnh Băng đang miệt mài nắn nót từng nét chữ trên trang vở. Bên cạnh em là ông nội đã già yếu, người duy nhất trong gia đình còn có thể trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Ngôi nhà 3 thế hệ cùng sinh sống đã xuống cấp. Những cột trụ mục nát, mái tôn rỉ sét phải lợp thêm lớp bạt để che chắn. Mùa hè, cái nóng hầm hập như thiêu đốt. Mùa mưa, nước dột từ khắp nhà. Gia đình em Quỳnh Băng thuộc diện hộ nghèo của bon, sống chật vật từng ngày.

Gia đình bé Băng thuộc hộ nghèo của bon, ba thế hệ cùng chung sống trong căn nhà đã xuống cấp từ lâu
Gia đình em Băng thuộc hộ nghèo của bon, 3 thế hệ cùng chung sống trong căn nhà đã xuống cấp từ lâu

Ngôi nhà nhỏ từng là nơi ở của một gia đình ấm áp và hạnh phúc cho đến khi những tai ương liên tiếp ập đến, đẩy cả nhà vào vòng xoáy của bệnh tật, chia ly và khốn khó.

Bà nội em Quỳnh Băng đã mất năm 2023 sau thời gian dài bệnh tật. Bi kịch lại ập đến với gia đình Băng vào cuối năm 2024 khi mẹ em, chị Võ Thị Ngọc Lan (SN 1985) bất ngờ phát hiện mắc ung thư buồng trứng giai đoạn cuối. Từ một người mẹ chăm chỉ, tần tảo lo toan cho gia đình, chị Lan giờ đây trở thành bệnh nhân phải thường xuyên nằm lại bệnh viện điều trị.

Những đợt truyền thuốc khiến chị mệt mỏi, kiệt sức. Cuộc sống của chị gắn liền với bệnh viện, thỉnh thoảng mới được về thăm nhà chốc lát rồi lại vội vã trở lại giường bệnh. Gần 3 tháng nay, chị Lan chỉ về được mấy ngày. Mỗi lần mẹ nhập viện cấp cứu, em Quỳnh Băng lại thu mình trong góc nhà, bỏ ăn, ánh mắt buồn rười rượi trông mẹ quay về.

Trong căn nhà đơn sơ nơi vùng sâu biên giới, ánh mắt em Quỳnh Băng cứ dõi về phía con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, đợi chờ và nỗi nhớ đến thắt lòng khi xa mẹ quá lâu.

Tuổi còn nhỏ nhưng Băng đã học cách phụ giúp việc nhà, chia sẻ với ông nội già yếu và người chú bại liệt
Tuổi còn nhỏ nhưng em Quỳnh Băng đã học cách phụ giúp việc nhà, chia sẻ với ông nội già yếu và người chú bại liệt

Nhắc đến mẹ, em Quỳnh Băng nấc lên thành tiếng: “Mẹ em đi viện lâu lắm rồi… Em thương mẹ nhiều lắm. Có hôm mẹ đau, mẹ khóc, em cũng chỉ biết khóc theo. Em chỉ mong mẹ hết bệnh để về ở với con. Em muốn học thật giỏi để mai mốt làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ”.

Mỗi lần nghe chú báo tin mẹ đang mệt, phải nhập viện cấp cứu, em Quỳnh Băng lại bỏ ăn, lặng lẽ ngồi một mình bên cửa sổ. Em không hỏi nhiều, chỉ im lặng và ôm chặt chiếc cặp cũ mẹ từng vá lại cho. Trong ký ức non nớt, mẹ là người dặn em học bài, là người pha sữa mỗi tối, là cái ôm ấm áp sau mỗi giờ tan trường. Giờ đây, mọi thứ chỉ còn là nỗi nhớ.

Trong căn nhà cũ kỹ chỉ có ông nội già yếu và người chú tật nguyền, em Quỳnh Băng phải học cách tự lo cho bản thân, học cách chờ đợi mẹ bằng những ước mơ giản dị nhất.

Ước mơ của chú, cháu trên chiếc xe ba bánh

Gia đình vốn nghèo lại càng khánh kiệt. Từ khi chị Lan mắc bệnh, anh Nguyễn Anh Phương (SN 1986) cha của em Quỳnh Băng phải rời quê vào TP. Hồ Chí Minh chăm sóc vợ tại Bệnh viện Ung Bướu. Bao nhiêu tài sản trong nhà lần lượt "đội nón ra đi", kể cả mảnh rẫy, kế sinh nhai duy nhất cũng chia 5 xẻ 7 bán dần để lo viện phí cho người vợ. Gia đình đã phải vay thêm 80 triệu đồng từ ngân hàng để trang trải viện phí, cùng các khoản nợ từ người thân, hàng xóm.

Dù đôi chân không còn lành lặn, anh Thái vẫn kiên trì đưa cháu gái đi học mỗi ngày, dạy cháu học bài mỗi ngày thay cha mẹ vắng nhà
Dù đôi chân không còn lành lặn, anh Thái vẫn kiên trì đưa cháu gái đi học mỗi ngày, dạy cháu học bài mỗi ngày thay cha mẹ vắng nhà

Trao đổi qua điện thoại, anh Nguyễn Anh Phương, bố của bé Quỳnh Băng nghẹn giọng: “Giờ tôi phải túc trực 24/24 ở bệnh viện để chăm vợ vừa mổ, người còn yếu lắm, bệnh tình cũng không khả quan. Mọi việc ở nhà đều phải nhờ vào ông nội và chú của cháu gánh vác. Giờ tài sản bán hết rồi, nợ thì chồng chất mà sức khỏe vợ ngày một yếu”.

Và đưa về trong những buổi chiều muộn
Và đưa về trong những buổi chiều muộn

Trong lúc cha mẹ vắng nhà, em Quỳnh Băng được chăm sóc bởi người chú ruột - anh Nguyễn Anh Thái (SN 1991) bị bại liệt do sốt từ nhỏ. Mặc dù, không thể đi lại bằng chân như người bình thường nhưng hàng ngày người chú dùng chiếc xe ba bánh cũ kỹ để chở cháu đi học trên quãng đường gần 7km. Những hôm mưa lầy lội, có lúc xe bị lật khiến hai chú cháu người đầy bùn đất.

Những ngày mưa, bánh xe ngập bùn, có hôm cả hai chú cháu ngã dúi dụi, người lấm lem. Nhưng chưa một ngày nào anh Thái để cháu phải nghỉ học
Những ngày mưa, bánh xe ngập bùn, có hôm cả hai chú cháu ngã dúi dụi, người lấm lem, nhưng chưa một ngày nào anh Thái để cháu phải nghỉ học

Anh Thái cho biết: “Tôi chỉ mong trời lúc nào cũng nắng để đưa cháu đi học cho đỡ vất vả. Mưa xuống là đường trơn, xe dễ bị lật, thương cháu lắm”.

Không mong gì cho bản thân, anh chỉ mong cháu gái được tiếp tục đến trường, có tương lai tươi sáng hơn, không phải sống mãi trong vòng luẩn quẩn của nghèo khó và bệnh tật.

“Tôi không đi làm xa được, nên hiện tại nhận đánh văn bản tại nhà. Dù thu nhập chẳng là bao nhưng cũng là nguồn sống của gia đình”, anh Thái chia sẻ thêm.

Cần lắm những vòng tay nâng đỡ

Chia sẻ về cô học trò nhỏ của mình, cô giáo Phạm Thị Thu Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường tiểu học Ama Trang Lơng chia sẻ: “Em Quỳnh Băng là học sinh rất ngoan, chăm chỉ, học giỏi xuất sắc. Dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng em không bỏ bê việc học, là tấm gương vượt khó tiêu biểu của lớp, trường”.

Từng trang vở sạch, nét chữ tròn trịa là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng trong học tập của Quỳnh Băng
Từng trang vở sạch, nét chữ tròn trịa là thành quả cho sự nỗ lực không ngừng trong học tập của Quỳnh Băng

Theo cô giáo Hạnh, chính nghị lực vượt khó của em Quỳnh Băng khiến thầy cô giáo trong trường ai cũng thương, cảm phục. Có những hôm trời mưa to, thấy chú của em lặn lội chở cháu bằng xe ba bánh đến lớp, người đầy bùn đất, các cô không khỏi rơi nước mắt.

Cô giáo Hạnh và các giáo viên khác cho biết, nhà trường luôn cố gắng đồng hành, hỗ trợ em Quỳnh Băng bằng những phần quà nhỏ, sách vở, quần áo, và cả sự quan tâm gần gũi mỗi ngày, với mong muốn em có thêm niềm tin, động lực để vững bước đến trường.

Cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Thu Hạnh cho biết: “Quỳnh Băng là một học trò giỏi toàn diện, rất ngoan hiền và lễ phép. Dù hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng Băng luôn nỗ lực học tập
Cô giáo chủ nhiệm Phạm Thị Thu Hạnh cho biết: “Quỳnh Băng là một học trò giỏi toàn diện, rất ngoan hiền và lễ phép. Dù hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng Băng luôn nỗ lực học tập”

“Với hoàn cảnh khó khăn của em Quỳnh Băng, nhà trường rất quan tâm. Cùng với việc động viên, hỗ trợ của các thầy cô, nhà trường phối hợp với các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm, chính quyền địa phương để giúp em học bổng, dụng cụ học tập, các phần quà dịp lễ, tết... Tuy nhiên, hoàn cảnh của em Quỳnh Băng cần lắm sự tiếp sức lớn hơn nữa từ cộng đồng, nâng đỡ em vượt qua nghịch cảnh, tiếp tục được học hành và nuôi dưỡng ước mơ”, cô giáo Phan Thị Xuân Anh, Hiệu phó Trường tiểu học Ama Trang Lơng cho hay.

Mọi sự giúp đỡ, đóng góp cho gia đình em Nguyễn Võ Quỳnh Băng, lớp 1, Trường tiểu học Ama Trang Lơng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức xin gửi tới Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Đắk Nông, số tài khoản: 6350006838 tại Chi nhánh Ngân hàng BIDV Đắk Nông hoặc 5300201005953, Chi nhánh Agribank Đắk Nông. SĐT: 0796.678.678

Nam Nguyễn