Một số nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 đang dự thảo lấy ý kiến
Pháp luật - Đời sống - Ngày đăng : 21:11, 21/05/2025
Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 để sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Theo Bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Ngày 05/5/2025, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 với 452 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 100% số đại biểu có mặt và 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội).
Theo đó, Quốc hội đã quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị với phạm vi sửa đổi tập trung vào các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thành lập theo Nghị quyết số 195/2025/QH15 ngày 05/5/2025 đã tổ chức xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 với phạm vi đã được Quốc hội xác định.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 gồm có 02 điều.
![]() |
Theo đó, Điều 1 gồm 08 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm 03 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để thích ứng với tình hình mới
Sửa đổi, bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9 của Hiến pháp năm 2013): Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xác định là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (khoản 1 Điều 9); nguyên tắc hoạt động cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khoản 2 Điều 9).
Khi phối hợp và thống nhất hành động, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình (khoản 3 Điều 4 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015).
Qua rà soát việc thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cho thấy, hệ thống các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, trùng lắp; có lúc, có nơi chưa thực hiện sâu sát cơ sở, nắm tình hình Nhân dân chưa kịp thời.
Vẫn còn tồn tại tình trạng một việc nhiều tổ chức cùng làm, một người tham gia nhiều tổ chức; nguyên tắc hiệp thương dân chủ - một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản, nền tảng thể hiện bản chất liên hiệp tự nguyện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Trần Thanh Mẫn. |
Thực hiện chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay).
Điều này đòi hỏi phải sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để thích ứng với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu gần dân, sát dân, đại diện, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân
Để làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 như sau:
Thứ nhất, khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng thời bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cụ thể: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình.
Các tổ chức nêu trên được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam
Sửa đổi, bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam (Điều 10 của Hiến pháp năm 2013): Để bảo đảm sự kế thừa hợp lý của các bản Hiến pháp trong việc ghi nhận vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn, thống nhất với quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 và nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 như đã nêu ở trên, phù hợp với tổ chức công đoàn sau khi thực hiện sắp xếp, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; trên thực tế, đã xuất hiện tình trạng có những tổ chức bất hợp pháp mượn danh đại diện cho người lao động Việt Nam để đề nghị tham gia các tổ chức quốc tế về lao động và công đoàn với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.
![]() |
100% thành viên Ủy ban tham dự biểu quyết thông qua 06 văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. |
Do vậy, cần có những sửa đổi, bổ sung để ghi nhận vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn để khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
Theo tinh thần đó, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, đề nghị bổ sung nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam tại Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn.
Chỉ quy định về quyền trình dự án luật, pháp lệnh của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 84 của Hiến pháp năm 2013): Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 theo hướng chỉ quy định về quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà không tiếp tục quy định quyền này cho các cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận để bảo đảm thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tại Điều 9 của Hiến pháp năm 2013, phù hợp với tổ chức bộ máy của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, nghiên cứu, xem xét và quyết định việc trình dự án luật, dự án pháp lệnh khi thấy cần thiết và có đủ điều kiện thực hiện.