Thư viện số DLib K12 – cú hích chuyển đổi số giáo dục ở Đắk Nông
Thư viện số DLib K12 đang mở ra một hướng đi mới cho ngành Giáo dục Đắk Nông, khi hơn 103.000 học sinh THCS, THPT tiếp cận nền tảng này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong dạy và học.
Hơn 103.000 học sinh tiếp cận thư viện số
Sau gần 3 tháng triển khai thử nghiệm, giải pháp Thư viện số DLib K12 đã ghi nhận hơn 70.000 học sinh THCS và hơn 33.000 học sinh THPT truy cập vào nền tảng. Hệ thống thư viện số đã ghi nhận hàng triệu lượt tương tác, cho thấy sự hưởng ứng tích cực của học sinh trong toàn tỉnh.

Đáng chú ý, có 6 trường THCS và 8 trường THPT đạt mốc trên 10.000 lượt truy cập, cho thấy nền tảng này đã dần trở thành một công cụ quen thuộc, hữu ích trong học tập và nghiên cứu của học sinh.
Ông Lưu Thành Tín, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Trung học - Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông khẳng định vai trò thiết yếu của chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. Ông Tín nhấn mạnh: “Trong bối cảnh công nghệ thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống, việc ứng dụng Thư viện số như DLib K12 không chỉ giúp vượt qua những khó khăn của mô hình thư viện truyền thống mà còn tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Đây là giải pháp thiết thực giúp học sinh ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận kho tri thức mở một cách bình đẳng”.

Việc triển khai thư viện số thể hiện sự quyết liệt của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông trong lộ trình chuyển đổi số. Bên cạnh lợi ích chuyên môn, nền tảng số này còn tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với các nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, từ đó khơi gợi niềm đam mê học hỏi, phát triển tư duy độc lập và kỹ năng tự học – những năng lực cốt lõi của công dân thời đại số.
Lan tỏa văn hóa đọc
Chuyển đổi số không đơn thuần là thay đổi công cụ, mà là sự chuyển biến trong tư duy dạy và học. Việc triển khai thư viện số là bước đi thiết thực để rút ngắn khoảng cách tiếp cận tri thức, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa...

Học sinh Nguyễn Hải Vân, lớp 6A2, Trường THCS Trần Phú, TP. Gia Nghĩa giành giải nhất trong Tuần lễ đọc sách thư viện số với chủ đề “Mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.
Em Nguyễn Hải Vân cho biết: Thông qua việc tiếp cận thư viện số, em không chỉ tìm thấy niềm vui trong từng trang sách điện tử mà còn cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của hòa bình, tự do khi đọc về sự kiện 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không dừng lại ở đó, thư viện số còn giúp em khám phá thêm nhiều điều thú vị về văn hóa Tây Nguyên – nơi em đang lớn lên và học tập mỗi ngày.

Hoạt động được triển khai đồng loạt tại các trường THCS, THPT trên toàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú như: giới thiệu sách, thi kể chuyện theo sách, viết cảm nhận, thiết kế ấn phẩm tuyên truyền...
Theo các cán bộ thư viện, lúc đầu nhiều học sinh chưa quen, ngại thao tác trên nền tảng mới. Nhưng khi được hướng dẫn, tạo tài khoản, thi đọc sách trực tuyến… các em rất hào hứng. Với sự hỗ trợ từ Công ty TNHH Tài liệu Trực tuyến Vi Na (VDOC), nền tảng DLib K12 liên tục được cập nhật, bổ sung tài nguyên, đồng thời tối ưu hóa giao diện phù hợp với thói quen sử dụng của học sinh.
Đại diện công ty VDOC kiến nghị ngành Giáo dục địa phương tiếp tục duy trì Tuần lễ đọc sách hàng năm, đồng thời đẩy mạnh truyền thông trong nhà trường để khơi gợi niềm yêu thích đọc sách trong học sinh thời công nghệ.
Với sự đổi mới từ ngành giáo dục và sự đồng hành tích cực từ các đơn vị công nghệ như VDOC, mô hình thư viện số hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đó không chỉ là cuộc cách mạng về công cụ giảng dạy, mà còn là sự thay đổi sâu sắc trong tư duy, phương pháp tiếp cận tri thức, hình thành nên một thế hệ học sinh Đắk Nông tự tin, chủ động, và thích nghi linh hoạt trong kỷ nguyên số.