Đời sống

Xóa nhà tạm, nhà dột nát ở “vựa lúa Đắk Nông”

Gia Bình 21/05/2025 05:58

Đẩy mạnh xóa nhà tạm cho hộ nghèo không chỉ giúp xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông) hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà còn lan tỏa thông điệp về sự quan tâm, sẻ chia trong cộng đồng.

Buôn Choáh là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Nô, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Dù là “vựa lúa Đắk Nông” nhưng hiện không ít hộ gia đình phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, không bảo đảm an toàn mỗi mùa mưa bão.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, những căn nhà dột nát còn là rào cản lớn trong hành trình thoát nghèo của người dân.

img_4533.jpg
Căn nhà mới khang trang, rộng rãi, ấm cúng của gia đình chị Trương Thị Lục Thủy, thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh

Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, xã Buôn Choáh đã huy động tối đa các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà thiếu an toàn, nhà thường xuyên chịu ảnh hưởng từ ngập lụt. Những ngôi nhà vững chắc giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống đồng thời củng cố niềm tin của Nhân dân vào các chính sách của Đảng, Nhà nước.

Chị Trương Thị Lục Thủy, thôn Cao Sơn có 4 người con thì 2 cháu bị khuyết tật nặng. Căn nhà gỗ xuống cấp, mục nát, không bảo đảm an toàn cho các con nên ước mơ lớn nhất của gia đình là có một mái nhà kiên cố.

Căn nhà mới khang trang, rộng rãi của gia đình chị Trương Thị Lục Thủy
Căn nhà mới khang trang, rộng rãi của gia đình chị Trương Thị Lục Thủy

Được hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gia đình chị Thủy đã vay thêm tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để xây nhà. Căn nhà mới không chỉ giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở mà còn là động lực để gia đình phấn đấu có một cuộc sống đủ đầy, đàng hoàng hơn.

Chị Thủy chia sẻ: “Sau khi xây nhà, các cháu có chỗ ở an toàn, vợ chồng tôi cũng vơi bớt một gánh nặng trong lòng. Vợ chồng tôi đang cố gắng làm việc hàng ngày, tích góp tiền để sớm trả hết nợ, thoát nghèo trong năm 2025”.

img_4561.jpg
Trong quá trình xây dựng, gia đình chị Chu Thị Tươi đã đối ứng thêm tiền và trực tiếp thi công

Điểm nổi bật trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát ở xã Buôn Choáh là huy động sự tham gia của các lực lượng như dân quân tự vệ, thanh niên, phụ nữ ... Đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo chủ động thi công, đối ứng thêm kinh phí.

Chị Chu Thị Tươi, xã Buôn Choáh cho biết: “Từ nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng tôi đã vay mượn họ hàng để xây mới một căn nhà rộng hơn 70m2. Trong quá trình làm nhà, gia đình trực tiếp tham gia xây dựng, nhờ đó mà giảm bớt chi phí, giúp căn nhà thêm đầy đủ, khang trang hơn”.

Theo UBND xã Buôn Choáh, đến tháng 5/2025, từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa, địa phương đã xóa được 30 căn nhà tạm, dột nát. Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng.

Bà Cao Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh cho rằng, nhờ đẩy mạnh thực hiện chương trình, đến nay, toàn xã Buôn Choáh có 494/574 căn nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Những căn nhà mới không chỉ là mái ấm che mưa nắng mà còn là động lực để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thành công trong chương trình xóa nhà tạm là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, nghĩa tình ở vùng đất Buôn Choáh.

Gia Bình