Kinh tế

Thủ phủ nhôm Việt Nam và kỳ vọng sau hợp nhất

Lê Dung 16/05/2025 08:53

Trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia được kỳ vọng về đích nhanh hơn nhờ tăng quy mô, nguồn lực từ hợp nhất Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Hiện đại và quy mô hơn

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông và Lâm Đồng là nơi tập trung trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước.

Tự động hóa giúp hình thành một hệ sinh thái chuyển đổi số đồng bộ trong toàn bộ Công ty Nhôm Đắk Nông -TKV
Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) là một trong những mắt xích đầu tiên trong chuỗi sản xuất nhôm tại Việt Nam

Cụ thể, Đắk Nông có 29 mỏ quặng bô xít, với trữ lượng đạt gần 1,8 triệu tấn nguyên khai. Lâm Đồng sở hữu 22 mỏ quặng, với trữ lượng khoảng 675 triệu tấn.

Đây là điều kiện quan trọng để hình thành các ngành công nghiệp khai thác, chế biến alumin và điện phân nhôm tại chỗ, thay vì chỉ dừng lại ở xuất khẩu.

Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang vận hành ổn định 2 tổ hợp alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Mỗi tổ hợp có công suất 650.000 tấn alumin/năm.

2 tổ hợp này là những mắt xích đầu tiên trong chuỗi sản xuất nhôm tại Việt Nam. Đây cũng là bước khởi đầu cho định hướng phát triển ngành công nghiệp nhôm hiện đại, bền vững và có chiều sâu.

Tổ hợp alumin Tân Rai (Lâm Đồng) đã sản xuất được 7,47 triệu tấn alumin quy đổi kể từ khi đi vào vận hành thương mại đến nay
Tổ hợp alumin Tân Rai (Lâm Đồng) có công suất 650.000 tấn alumin/năm

TKV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển tổng thể ngành bô xít – alumin – nhôm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đề án, hàng loạt dự án bô xít mới sẽ được triển khai tại Đắk Nông và Lâm Đồng, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ USD trong giai đoạn tới.

Tại Đắk Nông, TKV sẽ mở rộng tổ hợp alumin Nhân Cơ lên ​​2 triệu tấn/năm; xây dựng tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Nông 2 mới có công suất 2 triệu tấn alumin/năm và 0,5 triệu tấn nhôm/năm.

Tại Lâm Đồng, kế hoạch đầu tư của TKV bao gồm: mở rộng tổ hợp bô - xít - nhôm Tân Rai từ công suất 0,65 triệu tấn lên 2 triệu tấn alumin/năm; đầu tư Nhà máy Điện phân nhôm Lâm Đồng với công suất 0,5 triệu tấn nhôm thỏi/năm.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Tổng Giám đốc TKV biểu dương những cố gắng nỗ lực của các đơn vị trong 90 ngày đêm sản xuất
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Tổng Giám đốc TKV thông tin về kế hoạch đầu tư các dự án bô xít của tập đoàn

Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Tiến Mạnh thông tin, TKV đang tích cực chuẩn bị các nguồn lực quan trọng về vốn và thị trường tiêu thụ cho việc triển khai các dự án.

Trong đó, về vốn đầu tư, TKV đã báo cáo chủ sở hữu cho phép tăng vốn điều lệ đến hết năm 2025 từ 35.000 tỷ đồng lên 42.000 tỷ đồng. TKV đã làm việc với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước chuẩn bị nguồn vốn, bảo đảm đủ thu xếp vốn triển khai các dự án.

Về thị trường tiêu thụ, đơn vị đã xây dựng được mối quan hệ với các nhà sử dụng alumin, nhôm và các công ty thương mại quốc tế lớn, đang giữ vai trò quan trọng trong thị trường xuất nhập khẩu alumin, nhôm như: Marubeni (Nhật Bản); EGA/DUBAL (UAE); Vedanta/Balco (Ấn Độ)… Từ đó, có phương án tiêu thụ hoàn toàn khối lượng alumin, nhôm trong thời gian tới.

Bô xít được khai thác lộ thiên từ các vùng đất đỏ ở huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông)
Trữ lượng quặng bô xít tại Đắk Nông và Lâm Đồng lớn nhất cả nước

“Về nguồn điện cũng được TKV chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng đủ cho sản xuất 1 triệu tấn nhôm/năm. Đây là nguồn lực quan trọng để huy động cho các dự án điện phân nhôm sau này”, ông Mạnh cho biết.

Rút ngắn hành trình

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia. Tổ hợp bô xít - alumin Nhân Cơ hiện mới là bước đi đầu trong chuỗi giá trị nhôm.

Theo các chuyên gia, để hình thành đầy đủ một trung tâm công nghiệp nhôm, Đắk Nông vẫn cần nhiều điều kiện về: hệ thống hạ tầng đồng bộ, quỹ đất sạch, cơ chế đặc thù, nhân lực chất lượng cao và liên kết vùng chặt chẽ.

Vận chuyển sản phẩm alumin tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ tới nơi tiêu thụ
Vận chuyển sản phẩm alumin từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông)

Sau hợp nhất, Lâm Đồng mới sẽ trở thành trung tâm bô xít – alumin - nhôm lớn nhất cả nước. Ngoài khai thác bô xít, chế biến alumin, các sản phẩm sẽ được xuất khẩu thông qua cảng biển Kê Gà.

Lúc này, địa phương tham gia vào gần như toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp nhôm từ khai khoáng, chế biến alumin, điện phân nhôm và xuất khẩu các sản phẩm liên quan tới quặng bôxít và nhôm.

Hợp nhất Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông không chỉ gia tăng trữ lượng khoáng sản, mà còn tạo điều kiện để tối ưu hóa chuỗi giá trị từ bô xít, alumin đến luyện nhôm.

Sản phẩm alumin tại Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) được làm nguội sẵn sàng để đóng bao
Sản phẩm alumin tại Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng)

Thực tế hiện nay, Việt Nam đang chủ yếu xuất khẩu alumin thô sang các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Việc phát triển công nghiệp luyện nhôm trong nước sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô như hiện nay.

“Hiện nay, chúng ta đã thực hiện được trên 90%, chỉ một bước nữa thôi. Khi ra được sản phẩm cuối cùng thì giá trị gia tăng cho bô xít sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần”, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tại buổi làm việc tại Đắk Nông mới đây.

hb6-1-1-.jpg
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tới thu hút đầu tư nâng cao giá trị cho quặng bô xít

Do đó, các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông hiện đều có kế hoạch kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm với nhiều dự án quy mô lớn lên tới hàng tỷ USD.

Với vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên phong phú, chính sách đồng bộ và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, tỉnh Lâm Đồng mới hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn công nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Hiện nay, ngoài TKV, nhiều doanh nghiệp lớn như Việt Phương, Hóa chất Đức Giang, Đông Bắc, Trường Hải, các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang xúc tiến đầu tư các tổ hợp bô xít - alumin - nhôm tại 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng.

Công nhân Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV vận hành dây chuyền sản xuất alumin hiện đại
Nguồn lực đầu tư cho ngành công nghiệp nhôm sẽ được mở rộng sau khi hợp nhất

Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông cũng đang từng bước hoàn thiện, với tổng công suất là 450.000 tấn/năm, đánh dấu bước chuyển mình chiến lược từ sơ chế sang chế biến sâu khoáng sản bô xít.

Dự án này nằm gần Nhà máy alumin Nhân Cơ sẽ tận dụng nguồn alumin tại chỗ để sản xuất nhôm kim loại, phục vụ các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Sau sáp nhập còn mở ra cơ hội thiết lập hệ sinh thái đào tạo – sản xuất – nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh cho địa phương. Cụ thể, Lâm Đồng có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, viện nghiên cứu sẽ là nơi có thể đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, hậu cần, công nghệ cho ngành công nghiệp nhôm.

Khi được “tiếp sức” bằng việc hợp nhất với Lâm Đồng, Bình Thuận - những địa phương có nền tảng tốt về hạ tầng, nguồn lực - hi vọng hành trình ấy của Đắk Nông sẽ nhanh hơn, vững vàng hơn và hiệu quả hơn.

Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư, được triển khai tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỷ đồng, công suất giai đoạn 1 đạt 450.000 tấn nhôm/năm.

Lê Dung