Mô hình tập đoàn tài chính trong ngân hàng thương mại: Vũ khí cạnh tranh chưa có “lá chắn” pháp lý

Thuế - Tài chính - Ngày đăng : 13:50, 15/05/2025

Mô hình tập đoàn tài chính với sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại đang ngày càng hình thành rõ nét. Dù đây là xu hướng tất yếu tại các thị trường phát triển và khó có thể đảo ngược, nhưng thực tế cách thức chào bán sản phẩm hiện nay của các ngân hàng cho thấy mô hình này vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro trong công tác quản lý.

Hệ sinh thái ngân hàng ngày càng mở rộng và đa dạng

Trong những năm gần đây, xu hướng phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính – ngân hàng đang ngày càng rõ nét, với nhiều ngân hàng không ngừng mở rộng hệ sinh thái nhằm cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện và khép kín cho khách hàng.

Năm 2025, VPBank tiếp tục đẩy mạnh chiến lược này khi công bố kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, đồng thời góp vốn và mua cổ phần tại một công ty quản lý quỹ. Những bước đi này nhằm hoàn thiện hệ sinh thái tài chính của ngân hàng.

Hiện mô hình tập đoàn của VPBank gồm bốn thành viên chính: ngân hàng mẹ VPBank, công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, công ty chứng khoán VPS và công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES.

Mô hình tập đoàn tài chính trong ngân hàng thương mại Vũ khí cạnh tranh chưa có “lá chắn” pháp lý
Hiện mô hình tập đoàn của VPBank gồm bốn thành viên chính: ngân hàng mẹ VPBank, công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, công ty chứng khoán VPS và công ty bảo hiểm phi nhân thọ OPES.

Ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch HĐQT VPBank – nhấn mạnh rằng việc mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ là một phần trong chiến lược phát triển dài hạn, nhằm xây dựng một hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng và hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tương tự, Ngân hàng Quân đội (MB) sau khi tiếp nhận OceanBank theo hình thức chuyển giao bắt buộc và biến ngân hàng này thành công ty con (MBV), đã nâng tổng số thành viên trong hệ sinh thái lên 9 đơn vị.

Trong đó, có 3 ngân hàng (MB, MB Cambodia, MBV) và 6 công ty thành viên hoạt động ở nhiều lĩnh vực như chứng khoán (MBS), quản lý quỹ đầu tư (MB Capital), bảo hiểm (MIC), bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas), xử lý nợ (MBAMC) và tài chính tiêu dùng (MCredit).

Ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB – khẳng định MB đang là một trong những tập đoàn tài chính đi đầu, với hệ sinh thái toàn diện bao phủ nhiều mảng dịch vụ, từ ngân hàng truyền thống đến đầu tư, bảo hiểm, tài chính tiêu dùng và quản lý tài sản.

Ngoài ra, dù không công khai định hướng hoạt động theo mô hình tập đoàn, một số ngân hàng vẫn âm thầm mở rộng hệ sinh thái, nhiều khi gắn kết chặt chẽ với các tập đoàn bất động sản có mối quan hệ mật thiết.

Trong năm nay, nhiều ngân hàng tiếp tục bày tỏ tham vọng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới: MSB, SeABank, Sacombank lên kế hoạch mua lại công ty chứng khoán; còn Techcombank công bố dự kiến thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ với số vốn tối thiểu 1.300 tỷ đồng.

Lợi ích và thách thức

Trong nhiều thập kỷ qua, tăng trưởng của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu dựa vào hoạt động ngân hàng thương mại truyền thống, đặc biệt là tín dụng. Tuy nhiên, khi biên lãi thuần (NIM) ngày càng khó cải thiện và cạnh tranh trong mảng cho vay ngày càng khốc liệt, các ngân hàng buộc phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

Mảng ngân hàng đầu tư – bao gồm quản lý tài sản, chứng khoán, bảo hiểm, tư vấn mua bán – sáp nhập… cùng với các dịch vụ tài chính đa dạng – đang trở thành hướng đi chiến lược. Điều này cũng lý giải vì sao ngày càng nhiều ngân hàng tham gia cuộc đua chuyển mình thành các tập đoàn tài chính đa ngành.

Trong kỷ nguyên số, việc xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện, tích hợp nhiều dịch vụ trên cùng một nền tảng – hay còn gọi là mô hình “một điểm đến – đa tiện ích” – đang trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi.

Một ngân hàng có hệ sinh thái nghèo nàn sẽ gặp khó khăn trong việc giữ chân khách hàng. Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, xu hướng này đã xuất hiện từ lâu tại các nền kinh tế phát triển và Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy tất yếu này.

Mô hình tập đoàn tài chính trong ngân hàng thương mại Vũ khí cạnh tranh chưa có “lá chắn” pháp lý
Ngày càng nhiều ngân hàng tham gia cuộc đua chuyển mình thành các tập đoàn tài chính đa ngành

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ, đặc biệt là dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI), mô hình tập đoàn tài chính cho phép các ngân hàng gia tăng khả năng bán chéo sản phẩm, cá nhân hóa dịch vụ phù hợp từng khách hàng, đồng thời kiểm soát rủi ro tốt hơn và đa dạng hóa nguồn thu.

Hệ sinh thái tích hợp giúp ngân hàng cung cấp giải pháp tài chính trọn gói – từ đầu tư, tiết kiệm, vay vốn đến quản lý tài sản – qua đó tối ưu lợi nhuận, nâng cao trải nghiệm khách hàng và củng cố vị thế cạnh tranh.

Bài học từ vụ việc sản phẩm bảo hiểm đội lốt đầu tư từng xảy ra tại SCB và một số ngân hàng khác là lời cảnh báo nghiêm túc. Nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng giữa hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, nguy cơ phát sinh tranh chấp là rất lớn – thậm chí có thể để lại những “lỗ hổng” đủ sức gây ra khủng hoảng diện rộng.

Đặc biệt đáng lo ngại là thực trạng một số ngân hàng thuộc hệ sinh thái của các tập đoàn bất động sản, gắn với nguy cơ sở hữu chéo phức tạp và tiềm ẩn rủi ro lớn.

Dù Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 đã có các quy định siết chặt hơn để ngăn chặn sở hữu chéo, song theo chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu cổ đông hoặc người liên quan cố tình che giấu thông qua việc “đứng tên hộ”, thì cơ quan quản lý sẽ rất khó phát hiện và kiểm soát hiệu quả.

Thanh Cao