Đã có Thông tư 24/2025/TT-BCT về lập và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro khai thác khoáng sản
Chính sách - Ngày đăng : 14:00, 14/05/2025
Đã có Thông tư 24/2025/TT-BCT về lập và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro khai thác khoáng sản (Hình từ Internet)
Ngày 13/5/2025, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 24/2025/TT-BCT về lập và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro khai thác khoáng sản.
Đã có Thông tư 24/2025/TT-BCT về lập và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro khai thác khoáng sản
Theo đó, tại Thông tư 24/2025/TT-BCT thì Bộ Công thương đã quy định về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro khai thác khoáng sản như sau:
- Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm I bằng phương pháp lộ thiên; Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tự phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản trước khi thi công công trình mỏ lộ thiên đối với dự án đầu tư khai thác mới; tự phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2026 đối với dự án đầu tư khai thác đang trong quá trình thi công công trình mỏ lộ thiên hoặc đã đi vào vận hành.
- Doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III, nhóm IV bằng phương pháp hầm lò lập kế hoạch quản lý rủi ro trong khai thác khoáng sản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, như sau:
+ Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 108 Luật Địa chất và khoáng sản 2024, trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Thông tư 24/2025/TT-BCT phê duyệt;
“Điều 108. Thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản
1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép sau đây:
a) Giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm I, nhóm II;
b) Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II.”
+ Đối với Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 108 Luật Địa chất và khoáng sản 2024, trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 11 Thông tư 24/2025/TT-BCT phê duyệt.
Điều 108. Thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản
…
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép sau đây:
a) Giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm III, giấy phép khai thác khoáng sản nhóm III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV;
b) Giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm I, nhóm II và giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II tại khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố;
c) Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III.”
Hướng dẫn phân nhóm khoáng sản
Việc phân nhóm khoáng sản được thuwcjhieenj theo quy định tại Điều 6 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:
- Căn cứ công dụng và mục đích quản lý, khoáng sản được phân loại thành các nhóm sau đây:
+ Khoáng sản nhóm I bao gồm: khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp;
+ Khoáng sản nhóm II bao gồm: khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, đá mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa;
+ Khoáng sản nhóm III bao gồm: khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều 6 Luật Địa chất và khoáng sản 2024; than bùn, bùn khoáng, nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;
+ Khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).
- Chính phủ quy định chi tiết danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.
Xem thêm tại Thông tư 24/2025/TT-BCT có hiệu lực từ 01/7/2025.