ĐBQH Đắk Nông góp ý dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo
Chiều 13/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thỏa luận tại hội trường về một số dự án luật quan trọng. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia góp ý về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, tại khoản 19 Điều 3 (Giải thích từ ngữ), dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp thực hiện hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, có khả năng tăng trưởng nhanh, rủi ro cao và tạo ra giá trị đột phá về kinh tế hoặc xã hội” nên đảo cụm từ “rủi ro cao” về phía trước cụm từ “có khả năng tăng trưởng nhanh…” để nội dung quy định hợp logic hơn, bởi vì hoạt động khởi nghiệp sáng tạo là làm cái mới, chưa có kiểm chứng thực tế nên trước tiên là có “rủi ro cao” nhưng nếu thành công thì sẽ “có khả năng tăng trưởng nhanh” và “tạo ra giá trị đột phá về kinh tế hoặc xã hội”. Đồng thời, nên đưa vị trí khoản 19 giải thích cụm từ “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” lên ngay sau khoản 13 định nghĩa “khởi nghiệp sáng tạo” để tăng tính logic trong tổng quan điều luật.

Về các hành vi bị cấm, tại khoản 3 Điều 6 (Các hành vi bị cấm) của dự thảo Luật có nội dung: “Thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học, sức khoẻ cộng đồng”. Để luật khi đi vào thực tiễn mang tính khả thi cao, đề nghị bổ sung thành: “Cố ý thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học, sức khoẻ cộng đồng”.
Tại khoản 4, Điều 22 (Bảo vệ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thử nghiệm) quy định: “Công bố đầu mối giải quyết khiếu nại của khách hàng. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm có trách nhiệm tiếp nhận và có biện pháp xử lý mọi yêu cầu tra soát, khiếu nại bằng văn bản, qua tổng đài điện thoại, nền tảng trực tuyến hoặc thư điện tử của người sử dụng. Thời gian thực hiện giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại thực hiện theo phương án tại hồ sơ đề nghị thử nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
Đại Hằng cho rằng, cách thức tiếp nhận và xử lý khiếu nại quy định tại điều luật đang này là ở khiếu nại bằng hình thức gián tiếp “bằng văn bản, qua tổng đài điện thoại, nền tảng trực tuyến hoặc thư điện tử của người sử dụng”. Vì vậy, cần bổ sung hình thức khiếu nại trực tiếp, vì người dân có thể đến trụ sở tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm để khiếu trực tiếp bằng lời nói với bộ phận chịu trách nhiệm xử lý khiếu nại và trường hợp này được ghi nhận bằng biên bản làm việc và có thể được ghi âm để đối chiếu.