Trật tự

Mối lo đuối nước từ ao, hồ nhỏ ở Đắk Nông

Thanh Hà

Việc phát triển ao, hồ nhỏ nhỏ tại Đắk Nông thời gian qua đã góp phần phòng, chống hạn hán nhưng tiềm ẩn mối lo về tai nạn đuối nước.

Những năm qua, diện tích cây trồng có nhu cầu nước tưới ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng diện tích cây trồng có nhu cầu tưới nước năm 2024 khoảng 185.000ha.

Sở hữu diện tích lớn nhưng tỷ lệ đáp ứng nước tưới từ tất cả các nguồn của Đắk Nông mới đáp ứng được khoảng 84%, tương đương hơn 155.000ha. Trong đó, nguồn nước từ sông, suối, hồ thủy điện phục vụ nước tưới đáp ứng khoảng 35% diện tích (khoảng 64.700ha).

Các công trình thủy lợi trên địa bàn phục vụ nước tưới đáp ứng cho khoảng 27% diện tích (khoảng 50.000ha). Toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 22% diện tích (khoảng 40.400ha) cây trồng được phục vụ nước tưới từ các ao, hồ nhỏ cá thể trên địa bàn.

a1 ao ho
Người dân Đắk Nông chủ động nguồn nước tại các ao, hồ chứa để sản xuất nông nghiệp

Khoảng 16% diện tích cây trồng còn lại (trên 29.800ha) chưa có nguồn nước tưới chủ động. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mực nước các sông, suối và cả nước ngầm đều giảm mạnh. Do đó, tỷ lệ nước tưới chưa chủ động được cây trồng tại Đắk Nông có thể tăng hơn so với con số 16%.

Để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách. Trong đó, tỉnh Đắk Nông khuyến khích người dân tăng cường phát triển ao, hồ để nâng cao quy mô và dung tích lưu trữ.

Qua điều tra sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 34.000 ao, hồ nhỏ cá thể. Diện tích mặt thoáng tổng cộng các ao, hồ nhỏ khoảng 3.075ha, bình quân hơn 900m2/cái. Hầu hết các ao, hồ nhỏ được các hộ gia đình, cá nhân quản lý và sử dụng để tưới cho các loại cây công nghiệp và cây trồng khác.

Thời gian gần đây, giá cả một số loại nông sản chủ lực đều tăng, nhất là cà phê, hồ tiêu. Để phòng, chống thiếu nước, nhiều hộ gia đình đã chủ động thuê máy móc để đào ao, hồ nhằm tích trữ nước tưới cho mùa khô.

anh lot bat
Các ao, hồ nhân tạo góp phần giúp người dân phòng, chống nguy cơ thiếu nước nhưng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước

Phần lớn các ao hồ được đào sâu ở các vùng đất thấp, trũng cạnh các sông, suối. Tuy nhiên, tại một số khu vực, người dân đào xây dựng các hồ nhân tạo ngay ở các khu đất cao trong vườn, rẫy. Sau khi đào hố sâu, người dân lót bạt chống thấm xuống dưới rồi tích trữ nước tưới phục vụ việc tưới tiêu.

Việc phát triển các ao, hồ cá thể giúp người dân chủ động nguồn nước trong sản xuất. Tuy nhiên, các ao, hồ nhỏ cá thể cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là hồ lót bạt nhân tạo vì nước thường sâu và bạt rất trơn.

Qua thống kê của tỉnh Đắk Nông, từ tháng 4/2025 tới nay, trên địa bàn đã xảy ra 6 vụ đuối nước làm 9 trẻ em tử vong. Trong số này, một số vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngay tại các hồ chứa nước nhân tạo được lót bạt trong vườn, rẫy.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, giải pháp trọng tâm trong phòng, chống đuối nước trẻ em, nhất là tại các địa bàn có nhiều sông, suối, ao, hồ… Tuy nhiên, việc thực hiện phòng, chống đuối nước tại một số địa bàn còn hạn chế. Các vụ đuối nước thương tâm vẫn thường xuyên xảy ra.

a IMG_2249
Tỉnh Đắk Nông yêu cầu triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn ao, hồ nhỏ, nhất là các ao lót bạt nhân tạo để phòng chống đuối nước

UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong đó, tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, kiểm tra mức độ an toàn các ao, hồ tự nhiên và nhân tạo, đặc biệt là các hồ sâu, lót bạt, chưa được rào chắn. Tỉnh Đắk Nông yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp cảnh báo, rào chắn an toàn tại các khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn, phòng ngừa tai nạn đuối nước có thể xảy ra.

Thanh Hà