Tăng lương cho nhà giáo - Động lực phát triển giáo dục
Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 đề xuất xếp lương giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp là kỳ vọng chính đáng của hàng triệu nhà giáo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa như Đắk Nông.
Động lực mới cho người “gieo chữ”
Dự thảo Luật Nhà giáo tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ cử tri cả nước, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Bản dự thảo sau tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 9 chương, 46 điều, với nhiều nội dung mới nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách đối với nhà giáo, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất tại Điểm a, Khoản 1, Điều 25 là quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ngoài mức lương cơ bản, giáo viên còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, vùng miền, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động trong lĩnh vực giáo dục. Đây là bước tiến mạnh mẽ so với các quy định hiện hành, nhất là khi giáo viên vùng sâu, vùng xa còn chịu nhiều thiệt thòi, áp lực.
Không chỉ dừng ở chính sách tiền lương, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định rõ quyền tuyển dụng, điều động, biệt phái nhà giáo nhằm giải quyết hiệu quả bài toán thiếu giáo viên ở vùng khó khăn. Đồng thời, bổ sung quy định về khen thưởng, phong tặng danh hiệu, bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của nhà giáo - điều mà đội ngũ giáo viên mong mỏi từ lâu.

Ông Nguyễn Khắc Nghị, Phó Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) TP. Gia Nghĩa cho hay: "Đối với Dự thảo Luật Nhà giáo lần này, tôi rất mong sẽ sớm được thông qua để phần nào giảm bớt áp lực cho giáo viên. Việc xây dựng luật không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là lời tri ân sâu sắc dành cho những người đang miệt mài “gieo chữ - trồng người”. Đây cũng sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho giáo viên, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tạo động lực phát triển bền vững cho ngành Giáo dục”.

Chính sách lương mới và các chế độ ưu đãi nếu được luật hóa sẽ góp phần giữ chân giáo viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới là những nơi luôn trong tình trạng thiếu hụt giáo viên trầm trọng. Đây cũng là một trong những giải pháp trụ cột để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Đảng, Nhà nước đang hướng đến.
Ông Nguyễn Thế Hiệt, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Hữu Trác, xã vùng sâu Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, động lực nghề nghiệp đến từ niềm đam mê và từ sự bảo đảm về đời sống. Nếu Dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, mức lương cơ bản được cải thiện, giáo viên yên tâm gắn bó với trường lớp, Từ đó, giáo viên dành nhiều thời gian hơn cho chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy”.
Giáo viên vùng cao kỳ vọng vào chính sách mới
Với hơn 1 triệu giáo viên cả nước và hơn 11.000 giáo viên tại Đắk Nông, Dự thảo Luật Nhà giáo không chỉ đơn thuần là văn bản pháp lý mới mà còn là niềm tin và kỳ vọng về một sự thay đổi thực sự về điều kiện làm việc, đời sống cho người đứng lớp.

Thực tế cho thấy, tại nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa của Đắk Nông như Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song... không ít thầy, cô giáo mỗi ngày phải đi hàng chục km đường đất, lội suối, vượt đèo để đến lớp. Nhiều người gắn bó cả đời với sự nghiệp gieo chữ nơi vùng cao nhưng đời sống còn rất khó khăn. Việc tăng lương, thêm phụ cấp vùng miền chính là sự ghi nhận công bằng cho những nỗ lực thầm lặng đó.
Bà Đinh Thị Hằng, Phó Trưởng Phòng GD - ĐT huyện Đắk Glong chia sẻ: “Ở vùng khó khăn, huyện nghèo như Đắk Glong, giáo viên vẫn phải kiêm nhiều vai trò, từ giảng dạy đến quản lý, hỗ trợ đời sống học sinh. Nếu Luật Nhà giáo được ban hành, tôi tin rằng chính sách đãi ngộ và điều kiện công tác được cải thiện tốt hơn”.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Phụng, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn ở xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil cho rằng: “Chính sách tăng lương được luật hóa, nâng lên, đời sống giáo viên sẽ bớt chật vật hơn. Từ đó, giáo viên yên tâm đứng lớp, tận tâm hơn với học trò”.
Không chỉ đơn thuần là cải thiện thu nhập, chính sách tăng lương lần này còn mang theo kỳ vọng lớn về việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt ở các địa phương còn nhiều khó khăn như Đắk Nông.
Theo Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Đắk Nông Phan Thanh Hải, thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ giáo viên có chuyên môn vững là chìa khóa then chốt để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Đề xuất tăng lương lần này mang ý nghĩa động viên về vật chất và là cam kết lâu dài của Nhà nước trong việc bảo đảm đời sống, tạo sự yên tâm cho giáo viên, đặc biệt với những thầy cô đang bám trụ vùng sâu, vùng xa. "Khi chính sách lương đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, ngành Giáo dục sẽ có cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng toàn diện", ông Hải cho hay.
Khi chính sách lương đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, ngành Giáo dục sẽ có cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng toàn diện
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông