Giáo dục - Đào tạo

Cánh cửa và ngả đường cho học sinh sau tốt nghiệp THCS

Hoàng Trọng 11/05/2025 11:41

Giáo dục hướng nghiệp (GDHN) và định hướng phân luồng học sinh là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thay đổi tư duy của học sinh

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác GDHN và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 về thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, toàn tỉnh có 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hinh 1
Công tác GDHN và định hướng phân luồng học sinh ngày càng được các trường THCS trên địa bàn tỉnh quan tâm lồng ghép trong các buổi sinh hoạt dưới cờ

Ngay sau khi quyết định được ban hành, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn biên soạn bổ sung, cập nhật nội dung GDHN trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Việc phối hợp tập huấn cho giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác GDHN và phân luồng học sinh được chú trọng.

Các cơ sở giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế để lựa chọn hình thức GDHN phù hợp, bảo đảm đủ thời lượng, đúng chủ đề và có chất lượng tốt, nhất là tư vấn lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Các cơ sở giáo dục tích cực đổi mới và tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng của GDHN và định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đến phụ huynh, học sinh và người dân.

Phụ huynh, học sinh nhận thức đúng hơn về học nghề trong giải quyết việc làm, giảm bớt tâm lý nặng về bằng cấp. Việc động viên, khuyến khích học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập có thể chọn học tập tại trung tâm GDNN - GDTX các huyện, trường Trung cấp nghề nghiệp, trường Cao đẳng Cộng đồng…được quan tâm.

hinh-33-9667375ae3cf7790ffcbafb9572c44f1.jpg
Từ năm 2018-3/2024, toàn tỉnh Đắk Nông có 5,06% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp học sinh được học bổ túc văn hóa, học nghề. Với lựa chọn này, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, thi đậu tốt nghiệp, các em sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT không khác gì với học sinh học ở các trường THPT công lập.

Các trường phổ thông tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng cộng đồng, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về GDHN và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông. Các hoạt động như ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; hoạt động giới thiệu và tuyên truyền nghề; giao lưu với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân giúp cho học sinh lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp trung học… được tổ chức thường xuyên.

Cần quyết tâm, đồng thuận của toàn xã hội

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, từ năm 2018-3/2024, toàn tỉnh Đắk Nông có 65,82% trường THCS có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% trường THCS, THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp; 5,06% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành tại thị trấn Đắk Mil luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học để thu hút học sinh
Cùng với truyền thụ kiến thức giáo viên Trường THCS Nguyễn Tất Thành tại thị trấn Đắk Mil lòng ghép tuyên truyền về GDHN và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông

Riêng năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 10.893 học sinh tốt nghiệp THCS của năm học trước liền kề, trong đó, 9.390 học sinh vào các trường THPT (công lập và ngoài công lập) và 1.225 học sinh vào học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (bao gồm các trung tâm GDNN - GDTX).

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 80% trường THCS có chương trình GDHN gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% trường THCS, THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp; trên 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT, việc phân luồng học sinh hợp lý sau THCS và THPT chính là cách để điều tiết, cân bằng nguồn nhân lực giữa các lĩnh vực, không chỉ tập trung vào đại học, mà còn tạo điều kiện phát triển cho giáo dục nghề nghiệp, trung cấp, cao đẳng. Do đó, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng chủ trương, chính sách của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác GDHN và định hướng phân luồng. Các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả chương trình GDHN trong nhà trường theo quy định.

Các trường học cần đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức GDHN theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học, khơi dậy niềm hứng thú đối với việc lựa chọn nghề nghiệp. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm công tác GDHN, phân luồng am hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xu hướng nghề nghiệp, có năng lực để làm tốt chức năng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sẽ được quan tâm hơn.

Học sinh, phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận về các trường nghề
Trường Cao đẳng Cộng đồng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS trên địa bàn TP. Gia Nghĩa (ảnh tư liệu)

Cùng với đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề phổ thông, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngành tiếp tục tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách đối với học sinh đi học nghề, hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách, học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, quản lý, giáo viên làm công tác GDHN và định hướng phân luồng…

Cũng theo ông Thành, để công tác GDHN và phân luồng đạt hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, doanh nghiệp và toàn xã hội. “GDHN và phân luồng không phải là việc làm nhất thời, mà là cả một quá trình lâu dài đòi hỏi sự quyết tâm và đồng thuận của toàn xã hội”, ông Thành nhấn mạnh.

Hoàng Trọng