Giáo dục - Đào tạo

Mùa thi bước ngoặt định hình tương lai

Nguyễn Hiền 09/05/2025 07:14

Lần đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả hai kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT, thầy trò Đắk Nông đang nỗ lực thích ứng với những đổi mới.

Thầy trò cùng thích ứng, nỗ lực

Mùa thi năm 2025 là dấu mốc quan trọng đối với giáo dục tỉnh Đắk Nông. Lần đầu tiên, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với phương thức mới. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng áp dụng nhiều đổi mới, từ hình thức thi cho đến cách tính điểm xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Những thay đổi căn bản này không chỉ tác động đến thầy cô giáo mà đòi hỏi học sinh phải sớm thích ứng, đổi mới cách học, cách ôn tập để đạt kết quả tốt nhất.

img_1210.jpg
Năm 2025 có nhiều thay đổi trong quy chế thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng, đòi hỏi học sinh phải có phương pháp học phù hợp để thích ứng

Theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025 sẽ không còn phương thức “xét tuyển sớm” vào đại học, cao đẳng. Tất cả học sinh đều phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển qua hệ thống chung của bộ. Điều này buộc học sinh lớp 12 phải dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp duy nhất mang tính quyết định, không còn “chia sức” như trước đây.

So với những năm trước, nhiều học sinh từng chắc suất vào đại học nhờ xét tuyển học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ hoặc điểm thi đánh giá năng lực. Nhưng nay, khi xét tuyển sớm không còn, học sinh phải tập trung toàn lực vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây vừa là áp lực, vừa là cơ hội để tạo sự công bằng giữa các vùng miền, đặc biệt đối với học sinh ở tỉnh miền núi như Đắk Nông.

img_0444.jpg
Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở TP. Gia Nghĩa tích cực kết hợp vừa học vừa ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào lớp 10

Học sinh Đinh Công Kiên, lớp 12D1, Trường THPT Gia Nghĩa, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Trước những đổi mới của kỳ thi cuối cấp, ngay từ đầu năm học, em đã chủ động điều chỉnh phương pháp học để thích ứng với đề thi mới. Em đăng ký tham gia các kỳ thi học sinh giỏi để rèn luyện tư duy, làm quen với dạng đề nâng cao và trải nghiệm áp lực thi cử. Em tăng cường tự học ở nhà nhiều hơn vì đề thi mới không chỉ yêu cầu ghi nhớ mà đòi hỏi vận dụng hiểu biết và tư duy sâu hơn những năm trước”.

Học sinh Nguyễn Thị Cẩm Đào, lớp 12, Trường THPT Chu Văn An, TP. Gia Nghĩa cho hay: “Đề thi năm nay rất khác. Các môn đều mang tính ứng dụng cao, nếu chỉ học thuộc lòng như trước thì khó đạt điểm như mong muốn. Vì vậy, em thường tìm thêm tài liệu để đọc, hiểu bản chất bài học, từ đó vận dụng làm bài thi linh hoạt hơn”.

Đồng hành với học sinh, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp. Hiệu trưởng Trường THPT Gia Nghĩa Phạm Thị Hải thông tin: “Ngay từ đầu năm học, trường đã phổ biến kỹ những điểm mới của kỳ thi, hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch học tập hợp lý. Mỗi giáo viên tự nghiên cứu, tham khảo và có những dạng bài tập giúp học sinh luyện để làm quen với cách thức ra đề mới. Ngoài việc tăng cường luyện đề, chúng tôi đặc biệt chú trọng tư vấn hướng nghiệp, hướng dẫn học sinh chọn tổ hợp môn phù hợp với định hướng nghề nghiệp để không chỉ thi tốt nghiệp mà còn xét tuyển hiệu quả”.

Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Gia Nghĩa có 386 học sinh lớp 12, tất cả đã hoàn thành đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Theo thống kê của nhà trường, hàng năm có khoảng 52% học sinh đỗ đại học; gần 30% chọn học nghề hoặc xuất khẩu lao động. Điều này cho thấy công tác định hướng đã thực sự đi vào thực chất, đồng hành sát sao với học sinh.

Lựa chọn ngành học quyết định cho tương lai

Song hành với đổi mới thi cử, năm 2025 là lần đầu tiên học sinh được tự chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Quyết định này không chỉ tác động đến điểm số mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hoặc lựa chọn hướng đi sau phổ thông. Nói cách khác, đây là bước ngoặt lớn giúp học sinh định hình tương lai một cách chủ động, rõ ràng.

img_7550.jpg
Các đơn vị phối hợp tổ chức "Tiếp sức mùa thi" nhằm định hướng nghề nghiệp, giải đáp thắc mắc cho học sinh về các ngành nghề các em quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Đắk Nông Trần Sĩ Thành nhận định: “Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh phát triển phẩm chất, năng lực người học; đồng thời trao quyền lựa chọn nhiều hơn cho học sinh. Việc các em tự chọn môn thi là bước khởi đầu để định hướng nghề nghiệp lâu dài”.

Để học sinh có đủ thông tin, hiểu đúng, hiểu sâu về việc chọn môn thi, chọn ngành nghề, ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục Đắk Nông đã chỉ đạo các trường tăng cường hoạt động hướng nghiệp. Các trường tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, mời chuyên gia và đại diện các trường đại học, cao đẳng chia sẻ thông tin về ngành nghề, nhu cầu nhân lực, điều kiện xét tuyển. Qua đó, học sinh có thêm căn cứ để chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích và xu thế phát triển.

Học sinh Nguyễn Văn Phúc, lớp 12A3 Trường THPT Chu Văn An, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Nhờ được tư vấn kỹ, em đã chọn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên vì định hướng học ngành Công nghệ thông tin. Chọn đúng môn sở trường giúp em học tập có mục tiêu rõ ràng, không còn học chỉ để tránh môn khó như trước đây”.

img_0911.jpg
Hàng năm, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông phối hợp với các doanh nghiệp tư vấn, hướng nghiệp tận nơi cho học sinh

Không chỉ ở bậc THPT, học sinh lớp 9 cũng bắt đầu được định hướng sớm khi đăng ký nguyện vọng vào lớp 10. Cô giáo Nguyễn Thị Uyên, giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Ngĩa Tân, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Kỳ thi vào lớp 10 năm nay đòi hỏi học sinh cân nhắc kỹ năng lực và sở thích. Chúng tôi tổ chức tư vấn sớm để học sinh hiểu lộ trình học tập, chọn đúng trường, đúng hình thức thi, tránh chọn nhầm dẫn đến chán nản, ảnh hưởng lâu dài”.

Định hướng nghề nghiệp sát thực tiễn

Những đổi mới đồng bộ trong chương trình giáo dục phổ thông, phương thức thi và xét tuyển là yêu cầu khách quan và mở ra cơ hội để công tác hướng nghiệp tại Đắk Nông thực chất, hiệu quả hơn.

Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.

2.jpg
Học sinh bày tỏ băn khoăn về các ngành nghề tại Ngày hội việc làm ở Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông

Ông Trần Sĩ Thành khẳng định: “Để đồng bộ với đổi mới ở phổ thông, các cơ sở đào tạo đại học cũng đã điều chỉnh phương thức xét tuyển sát thực tiễn hơn. Do đó, nhiệm vụ của ngành giáo dục địa phương là bảo đảm học sinh nắm đầy đủ, chính xác thông tin quy chế thi cử, tuyển sinh; đồng thời tư vấn định hướng kịp thời, đúng hướng”.

Theo đó, nội dung hướng nghiệp được các cơ sở giáo dục tích hợp linh hoạt vào chương trình chính khóa, hoạt động ngoại khóa; đồng thời điều chỉnh phù hợp với nhu cầu nhân lực và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Hình thức hướng nghiệp cũng đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động của học sinh. Các trường tích cực phối hợp doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, trường đại học, cao đẳng để tổ chức trải nghiệm thực tế, tham quan và tư vấn tuyển sinh trực tiếp. Thông qua những hoạt động đó, học sinh được trực tiếp tìm hiểu ngành nghề, nắm rõ phương thức thi tuyển, cơ hội nghề nghiệp. Điều này giúp các em hình dung rõ ràng, lựa chọn ngành học sát thực tế hơn.

Nguyễn Hiền