Kinh tế

Đắk Nông: Trồng ca cao kiểu mới, lãi trăm triệu đồng

Văn Tâm 06/05/2025 08:04

Đắk Nông đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong ngành hàng ca cao, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người dân.

Thay đổi diện mạo cây ca cao

Hơn 3 năm qua, Dự án kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao: Từ hạt ca cao đến thanh sôcôla - do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ đã làm thay đổi tập quán trồng ca cao của người dân Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông.

Nhiều diện tích ca cao trồng theo hướng tuần hoàn được mở rộng, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ngành hàng ca cao của các tỉnh Tây Nguyên có sự phát triển vượt bậc.

ca-cao-dak-nong-2022-duong-phong-3(1).jpg
Dự án kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao giúp nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường cho người dân tại các địa phương

Dự án được thực hiện từ tháng 7/2022 - 7/2026 tại Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và một số tỉnh Đông Nam Bộ. Mục tiêu đầu tiên của dự án là nâng cao năng lực canh tác, sản xuất ca cao trong cộng đồng.

Tính đến tháng 4/2025, dự án đã giúp 1.163 lượt cán bộ hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nông dân chủ chốt nâng cao năng lực sản xuất ca cao thông qua các lớp tập huấn, đào tạo.

Trong đó, dự án đã cập nhật, chuyển giao các giải pháp kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao cho người dân. Khoảng 30% nông hộ tham gia dự án đã cải thiện thu nhập nhờ thực hành các kiến thức và kỹ năng được tập huấn vào canh tác ca cao.

Gia đình ông Cầm Bá Biên ở thôn 2, xã Đắk Wil, Cư Jút (Đắk Nông) trồng hơn 700 cây ca cao trên diện tích 7 sào đất sản xuất. Theo ông Biên, trước đây có thời điểm ông muốn chặt bỏ cây ca cao vì giá cà phê, hồ tiêu cao hơn.

Nhưng những năm gần đây, thị trường ca cao đang rộng mở, giá cả ổn định hơn. Cùng với việc áp dụng biện pháp canh tác tuần hoàn, sâu bệnh được quản lý tốt nên ông quyết định giữ lại vườn ca cao của mình.

ca-cao-dak-nong-2022-duong-phong-5(1).jpg
Theo ông Cầm Bá Biên ở thôn 2, xã Đắk Wil, Cư Jút (Đắk Nông), mô hình kinh tế tuần hoàn giúp người trồng có trách nhiệm hơn trong canh tác ca cao

Ông Biên cho biết: “Cùng với một số loại nông sản khác, giá ca cao liên tục tăng mạnh, hiện ở mức 15.000 đồng/kg quả tươi và trên 180.000 đồng/kg hạt khô. Với mức giá hiện nay, tôi hi vọng có lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng từ vườn ca cao.”

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cũng gắn bó với cây ca cao đã hơn 15 năm, nhưng chưa năm nào bà thấy giá cao như năm nay.

Gia đình bà Hoa có 1,3ha ca cao đang thời kỳ kinh doanh. Nhờ tích cực áp dụng các biện pháp sản xuất an toàn, khép kín theo mô hình kinh tế tuần hoàn nên vườn ca cao đạt năng suất, chất lượng cao.

Dự án kỳ vọng khi kết thúc sẽ có 3.500 nông dân tăng thu nhập nhờ áp dụng công nghệ sản xuất tái tạo; 500 người có việc làm tốt hơn; 6 doanh nghiệp chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn; 4.000 tấn ca cao có quy trình sản xuất tốt hơn.

Nâng tầm ngành hàng ca cao

Theo ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC) – đơn vị thực hiện dự án - dự án đã xây dựng được 6 mô hình trình diễn các giải pháp kinh tế tuần hoàn cho ngành hàng ca cao.

Một bộ tài liệu hướng dẫn các giải pháp kinh tế tuần hoàn trong ngành hàng ca cao đã được xây dựng, chuẩn hóa và đang được phổ biến rộng rãi tại Tây Nguyên cùng một số tỉnh khác.

Dự án đã có 2 nghiên cứu điển hình về sản xuất ca cao và công bố. Ngoài ra, 26 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật được dự án triển khai, với các đối tác doanh nghiệp, hợp tác xã để thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn trong canh tác ca cao.

ca-cao-dak-nong-2022-duong-phong-2(1).jpg
Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô, người tiên phong xây vùng sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn tại xã Tân Thành, huyện Krông Nô (Đắk Nông)

Trước đây, khi chưa có dự án, nông dân Đắk Nông vẫn trồng và thu hoạch ca cao theo phương thức truyền thống. Người dân chủ yếu chỉ lấy hạt để làm sản phẩm sôcôla.

Trong khi phần hạt chỉ chiếm dưới 10% tổng khối lượng quả ca cao, nên giá trị kinh tế mang lại không cao. Các sản phẩm dư thừa như vỏ quả ca cao, lá cây… thường bị vứt ra vườn, vừa gây ô nhiễm, vừa tạo ra lượng phát thải lớn.

Các doanh nghiệp trong ngành hành ca cao sẵn sàng thay đổi nhưng cần có hướng đi rõ ràng, vừa hiệu quả vừa mang lại lợi nhuận. Đây cũng là nền tảng để áp dụng kinh tế tuần hoàn cho các loại nông sản khác như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, mắc ca... và mở rộng trên nhiều địa phương của Việt Nam.

Ông Bạch Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC)

Tuy nhiên, kể từ khi triển khai dự án trồng ca cao theo hướng tuần hoàn, cùng với sự hỗ trợ công nghệ của Viện Môi trường nông nghiệp, toàn bộ phần dư thừa còn lại của cây ca cao như vỏ, lá, thân cây được chuyển đổi thành nguyên liệu có ích.

Vỏ ca cao được ủ thành chất cải tạo đất giàu dinh dưỡng; vỏ lên men làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, vỏ ca cao qua nhiệt phân còn được sử dụng để sản xuất than sinh học, giúp cải thiện cấu trúc đất, kích thích tăng trưởng cây trồng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính thông qua lưu trữ carbon trong đất…

Những phương thức này giúp nông dân giảm chi phí đầu vào trong sản xuất ca cao, tăng năng suất cây trồng và giúp bảo vệ môi trường hiệu quả.

img_5852(1).jpg
Sản phẩm ca cao của HTX Nông nghiệp Krông Nô

Ông Bạch Thanh Tuấn cho biết: “Bên cạnh mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao, dự án của EU còn góp phần đánh thức tiềm năng nông sản của Việt Nam. Đó là thông qua một phương thức quản trị mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường khó tính.”

Đắk Nông có khoảng 400ha ca cao, tập trung chủ yếu tại huyện Đắk Mil (trong đó Công ty Đức Lập có gần 170 ha), Krông Nô, Cư Jút, Đắk Song… Cây ca cao được trồng chuyên canh hoặc xen với cây điều, cao su. Năng suất ca cao có thể đạt từ 2,5 - 3 tấn/ha. Giá hạt ca cao thô hiện nay trung bình từ 60.000 – 70.000 đồng/kg.

Văn Tâm