Tin Tây Nguyên

Đắk Lắk hướng tới xuất khẩu cà phê bền vững

Thùy Mai 05/05/2025 09:43

Nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê, người làm cà phê ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản xuất, thu hoạch, chế biến, xây dựng thương hiệu và nhất là làm thế nào để xuất khẩu cà phê bền vững.

Theo Sở Công Thương, để phát triển thị trường cà phê theo hướng bền vững thì các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung phát triển các dòng cà phê đặc sản, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, từ xuất khẩu thô qua chế biến sâu nhằm gia tăng sức cạnh tranh cũng như giá trị xuất khẩu.

Đồng thời, chủ động đáp ứng Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), giúp hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững theo một chiến lược bài bản về vùng trồng, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn nguyên liệu hợp pháp...

Qua đó, đáp ứng nguồn cung bảo đảm sự lựa chọn ưu tiên đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là "tấm vé thông hành" để mở rộng con đường thâm nhập vào nhiều thị trường khác nhau trên thế giới với các yêu cầu nghiêm ngặt về quy chuẩn.

img_8468_20250504181744.jpg
Ông Trần Hồng Minh (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) định hướng sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho biết, với tầm nhìn trở thành đơn vị trụ cột trong nền kinh tế nông nghiệp của Tây Nguyên, đơn vị tiên phong trong sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn EUDR và giảm phát thải carbon, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu 50.000 ha (chiếm 20% diện tích cà phê của cả tỉnh), liên kết với 45.000 nông hộ có cập nhật định vị và truy xuất nguồn gốc.

Nhờ chủ động áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận và các quy chuẩn trong sản xuất và chế biến nên chất lượng cà phê Đắk Lắk đã được nâng lên rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 66.179 ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê chứng nhận (chiếm 31% diện tích cà phê toàn tỉnh).

Simexco Daklak là đơn vị xuất khẩu cà phê lớn thứ ba của cả nước, với sản lượng khoảng 120.000 tấn cà phê/năm; trong đó có 70% sản lượng được sản xuất theo chứng nhận bền vững.

Hiện nay, các thị trường khó tính như Nhật Bản cũng đã bắt đầu yêu cầu vùng nguyên liệu phải được sản xuất theo tiêu chuẩn EUDR và giảm thiểu carbon.

Do đó, muốn duy trì được giá cà phê cao và đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, công ty khuyến cáo người nông dân nên sản xuất theo hướng bền vững (phát triển cà phê hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh) và cải tiến liên tục, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

Không nằm ngoài xu hướng đó, hiện nay, nhiều người dân đang bắt tay thực hiện quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cà phê theo chứng nhận.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư M’gar Nguyễn Tấn Hiển cho hay, Hội Nông dân huyện cùng các đơn vị liên quan đã hỗ trợ người dân xây dựng các vùng nguyên liệu ở địa phương, hướng dẫn hộ trồng cà phê quy trình sản xuất bền vững, có chứng nhận.

Cụ thể, hội đã vận động hội viên nông dân sản xuất cà phê có chứng nhận (như UTZ Certified, 4C, thương mại công bằng...). Đến nay, toàn huyện có 5.683 hộ tham gia, với diện tích 8.459 ha (chiếm 22,4% diện tích cà phê kinh doanh), sản lượng đăng ký ước đạt khoảng 26.524 tấn.

img_8545_20250504181744.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) tập trung phát triển cà phê có chứng nhận.

Là đơn vị tiên phong sản xuất cà phê bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) hiện đã xuất khẩu cà phê đến nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh, Pháp… “Chìa khóa” để đạt được thành quả đó là do hợp tác xã đã chủ động liên kết với người dân địa phương xây dựng một vùng nguyên liệu sản xuất cà phê bền vững. Hiện hợp tác xã sở hữu hơn 60 ha có chứng nhận Fairtrade; liên kết với 200 nông dân để chế biến cà phê chất lượng cao, đưa sản phẩm đến với các cuộc thi cà phê đặc sản của Việt Nam và thế giới.

Bên cạnh phát triển sản xuất, chế biến cà phê bền vững, hiện nay nhiều nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã tận dụng có hiệu quả các lợi ích, thế mạnh của thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh để phát triển thương hiệu, góp phần đưa cà phê Đắk Lắk đến với nhiều quốc gia trên thế giới.

Thùy Mai