Sàn thương mại điện tử và cuộc chiến chống vi phạm sở hữu trí tuệ
Thuế - Tài chính - Ngày đăng : 06:59, 03/05/2025

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 18-25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Người tiêu dùng chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm truyền thống sang mua hàng online, thông qua các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop,...
Tuy nhiên, chính tốc độ tăng trưởng nhanh cùng khả năng ẩn danh của người bán đã khiến môi trường này trở thành "thiên đường" của hàng giả, hàng nhái và vi phạm SHTT.
Theo số liệu của Tổng cục Quản lý thị trường (SLTT), trong năm 2024 đã, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt 3.124 vụ việc vi phạm trên các sàn TMĐT với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2 triệu USD, cao gấp 3 lần so với năm 2023.
Đặc biệt, có 1.290 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những sản phẩm bị làm giả phổ biến gồm mỹ phẩm, quần áo, đồng hồ, giày dép, thực phẩm chức năng - tất cả đều là những mặt hàng có giá trị thương hiệu cao, dễ bị sao chép.
Lỗ hổng quản lý: Từ dữ liệu người bán đến cơ chế giám sát
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm khó kiểm soát là do các sàn TMĐT chưa có hệ thống xác minh người bán chặt chẽ. Không ít trường hợp gian thương sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tài khoản bán hàng, sau khi vi phạm bị phát hiện thì nhanh chóng "biến mất" và lập tài khoản mới.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn vì đa số hành vi xâm phạm đều diễn ra online, không có địa chỉ cố định. Việc thu thập chứng cứ, xác định danh tính, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... là cả một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nền tảng công nghệ.
Hiện nay, một số sàn lớn đã bắt đầu áp dụng chính sách kiểm duyệt nội dung, yêu cầu người bán xuất trình giấy chứng nhận quyền sở hữu thương hiệu trước khi đăng tải sản phẩm. Tuy nhiên, phần lớn vẫn hoạt động theo mô hình "niêm yết tự do" – tức người bán tự đăng sản phẩm, tự cam kết chất lượng, khiến nguy cơ vi phạm càng cao.
Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định rõ: Sàn TMĐT phải có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các sản phẩm vi phạm pháp luật. Tuy vậy, việc thực thi còn thiếu đồng bộ, và phần lớn chỉ mang tính xử lý sau khi đã có phản ánh từ bên thứ ba. Nếu các sàn không thay đổi mô hình kiểm soát và tiếp tục né tránh trách nhiệm, môi trường TMĐT sẽ trở thành ‘vùng xám’ của vi phạm SHTT.
Doanh nghiệp chịu thiệt hại, người tiêu dùng mất niềm tin

Các doanh nghiệp chính thống, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang là nạn nhân lớn nhất của hàng giả trên TMĐT. Không chỉ mất thị phần, họ còn bị ảnh hưởng danh tiếng khi người tiêu dùng nhầm lẫn giữa hàng thật và hàng nhái.
Còn với người tiêu dùng, niềm tin bị lung lay khi mua phải hàng kém chất lượng nhưng không được bảo vệ. Chính điều này làm giảm chất lượng trải nghiệm mua sắm và có thể kìm hãm sự phát triển lâu dài của ngành TMĐT.
Cần cơ chế phối hợp đa tầng – từ luật pháp đến công nghệ
Nhiều sản phẩm giả mạo hiện nay gần như không thể phân biệt bằng mắt thường so với hàng chính hãng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, cần nghiêm túc nhìn nhận thực trạng này và sớm có các biện pháp kiểm soát hiệu quả hoạt động TMĐT nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Trước hết, cần kiểm soát chặt chẽ các tài khoản kinh doanh online, nhất là trên mạng xã hội. Mỗi tài khoản nên gắn với căn cước công dân hoặc số điện thoại chính chủ và phải đăng ký với chính quyền địa phương. Quy định này giúp truy vết và xử lý khi xảy ra vi phạm, đặc biệt trong các trường hợp bán hàng giả, hàng nhái.
Cùng với đó, các sàn TMĐT phải tăng trách nhiệm trong việc lưu giữ thông tin người bán và kiểm soát nguồn gốc sản phẩm. Cần đẩy mạnh hậu kiểm, rà soát và xử lý doanh nghiệp "ma" không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Đồng thời, người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức nhận diện hàng thật – hàng giả và được khuyến khích sử dụng sản phẩm chính hãng nhằm thu hẹp thị phần của hàng hóa vi phạm SHTT trong môi trường số.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên TMĐT không chỉ là trách nhiệm quản lý, mà là nền tảng để phát triển thị trường TMĐT minh bạch, bền vững.