Lâm Đồng sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 23:33, 01/05/2025

Thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Tỉnh ủy Lâm Đồng triển khai phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp thực tiễn địa phương.
Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kế hoạch số 04-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW
Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Kế hoạch số 04-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW

Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18, tổ chức bộ máy khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Lâm Đồng đã giảm 54/233 đầu mối, giảm 145 cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp phòng.

Về kiện toàn tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý khối nhà nước, từ năm 2015 đến tháng 12/2024 giảm 115 đơn vị. Tỉnh đã sắp xếp giảm 2 đơn vị hành chính cấp huyện, 10 đơn vị cấp xã; sáp nhập 318 thôn, tổ dân phố để hình thành mới 153 thôn, tổ dân phố.

Trên cơ sở nghiên cứu các định hướng, kế hoạch của Trung ương; tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các địa phương, cơ quan, đơn vị trực thuộc sau khi tổng kết Nghị quyết 18, Tỉnh ủy Lâm Đồng đề xuất phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Báo Lâm Đồng; hợp nhất 10 sở thành 5 sở.

Theo đánh giá, tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức khác tương đương là 15 cơ quan, giảm 6/21 cơ quan so với đầu giai đoạn thực hiện Nghị quyết 18; tổng số phòng chuyên môn, chi cục và tương đương là 84 đơn vị, giảm 63/147 đơn vị. Tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là 100 phòng, giảm 55/155 phòng; tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập là 699, giảm 132/831 đơn vị. Về khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể giảm 7 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng; giảm thêm 4 đầu mối tương đương cấp phòng; giảm 4 công đoàn ngành…

Quá trình triển khai bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với sắp xếp, bố trí cán bộ theo đúng định hướng của Trung ương, quy định của Đảng, của pháp luật với phương châm: “Việc gì đã rõ, cần thiết thì quyết làm; việc gì phù hợp với thực tiễn nhưng pháp luật chưa điều chỉnh thì đề xuất kiến nghị”.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; trong đó quan tâm bố trí, sử dụng đối với cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương “vì việc mà bố trí người, không vì người mà bố trí công việc”.

Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả sản phẩm công việc cụ thể phù hợp chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới, nhất là đối với người đứng đầu.

Các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; tích cực tăng cường tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới.

Cùng với đó, lấy rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị là khâu đột phá cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Đánh giá, nhân rộng các mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy đang hoạt động hiệu lực, hiệu quả làm “điểm sáng” cho cả địa phương học tập.

Mục tiêu của việc kiện toàn, củng cố là bộ máy tinh gọn, đội ngũ cán bộ tinh thông, vận hành bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Đánh giá khách quan, công tâm để người giỏi, người có đủ uy tín, năng lực phải được bố trí vào vị trí xứng đáng. Quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ sau sắp xếp một cách thỏa đáng.

Trong sắp xếp tổ chức bộ máy có những nội dung Lâm Đồng triển khai vượt kế hoạch Trung ương, như sáp nhập cơ quan báo và đài; Văn phòng Tỉnh ủy giảm xuống còn 3 phòng…

Lâm Đồng sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả ảnh 1
Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII

Bí thư Thành ủy Đà Lạt Đặng Đức Hiệp chia sẻ qua sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Đảng, Nhà nước đã có cơ chế, chính sách phù hợp để đội ngũ cán bộ an tâm tư tưởng; người lớn tuổi không lo lắng, cán bộ còn thời gian công tác lâu dài cũng yên tâm công tác. “Chúng tôi tập trung ổn định về tư tưởng, để đội ngũ tiếp tục đảm đương tốt công việc trong môi trường mới, bối cảnh mới; tạo thêm động lực cho phát triển”. Ông Đặng Đức Hiệp cho rằng cần sàng lọc rất kỹ lưỡng để bộ máy Nhà nước không phải là nơi “trú ẩn” của những người kém năng lực, làm việc kém hiệu quả và cần có sự đổi mới trong tuyển dụng cán bộ, công chức.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Trọng Ánh Đông bày tỏ chế độ, chính sách có sức hấp dẫn sẽ giải quyết tốt vấn đề tinh giản, bởi khi đội ngũ cán bộ, công chức thấy phù hợp với điều kiện của họ, sẽ sẵn sàng chuyển công tác phù hợp. Vấn đề dám nghĩ, dám làm và chảy máu chất xám sau tinh gọn bộ máy cũng cần được lưu tâm.

Ông Phạm Nguyễn Hoàng Vinh Quang, sinh năm 1969, Trưởng phòng Lý luận, chính trị, lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, đã công tác trong cơ quan Nhà nước hơn 35 năm, trong đó gắn bó với ngành tuyên giáo hơn 12 năm, rất nặng tình khi phải xa đồng chí, đồng nghiệp. Nhận thấy đây là cơ hội phù hợp với điều kiện về tuổi tác, hoàn cảnh gia đình và bối cảnh hiện nay, ông Quang tự nguyện làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Ông cũng đã chuẩn bị đủ thời gian để có người tiếp cận, kế thừa công việc của mình.

Lâm Đồng sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả ảnh 2
Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng trao quyết định và chúc mừng 6 đồng chí được bổ nhiệm
Giám đốc thuộc 6 sở sau sáp nhập

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Tôn Thiện Đồng cho biết Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy là tổ chức hợp nhất tinh gọn đầu tiên được ra mắt của tỉnh Lâm Đồng. Sau hợp nhất, bộ máy của Ban có văn phòng ban và 4 phòng chuyên môn nghiệp vụ. Hợp nhất không có nghĩa là ghép lại các đơn vị đã có một cách cơ học, mà tổ chức lại một cách khoa học, tạo khoảng không gian tốt nhất để bố trí, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ. Tinh gọn bộ máy nhưng không làm gián đoạn công việc; việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập được thực hiện thận trọng, bảo đảm phù hợp năng lực, sở trường của từng cán bộ, tránh lãng phí nguồn lực. Sau khi hợp nhất, công việc đã được triển khai thông suốt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu công tác tuyên giáo và dân vận trong tình hình mới; tinh thần, tư tưởng cán bộ thoải mái, không có tính “cục bộ”.

Mai Văn Bảo