Kinh tế

Nguồn lao động chất lượng cao – Nền tảng cho công nghiệp hóa Đắk Nông

Lê Dung 01/05/2025 06:40

Xây dựng nguồn lao động chất lượng cao đang tạo nền tảng vững chắc cho Đắk Nông thu hút, phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Nhu cầu lao động công nghệ cao

Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm. Ngành công nghiệp được phát triển theo hướng hiện đại, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao.

thy_6587.jpg
Ngành công nghiệp nhôm tại Đắk Nông dự kiến ​​sẽ tạo ra khoảng 6.700 việc làm mới

Trong đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cho việc hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô xít - alumin - nhôm, sau nhôm; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia. Các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch quốc gia cũng được ưu tiên phát triển dưới hình thức tự sản, tự tiêu.

Để chuẩn bị nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm trên 58% dân số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,5%. Năng suất lao động của tỉnh đạt 70,58 triệu đồng/người/năm.

Đến năm 2030, chỉ số này sẽ dần tăng lên. Cụ thể, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động sẽ chiếm 58,27% so với dân số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%.

Năng suất lao động đạt 106,39 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu lao động được dịch chuyển theo hướng tăng dần tỷ lệ ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ lệ ở khu vực nông nghiệp.

img_8647.jpg
Đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu năng suất lao động đạt 106,39 triệu đồng/người/năm

Đắk Nông không dừng lại ở việc “có người làm”, mà từng bước xây dựng “đội ngũ thợ giỏi”. Công nhân hiện tại không chỉ cần tay nghề, mà còn cần cả tư duy, kỷ luật, khả năng thích nghi với công nghệ mới.

Trong chương trình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông đang xúc tiến hàng loạt chính sách phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới.

Trong đó, tỉnh sẽ đa dạng hóa các hình thức đào tạo, mở rộng liên danh, liên kết với các cơ sở đào tạo có năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực công nghiệp có khả năng làm chủ công nghệ.

Các mặt hàng nông sản của Đắk Nông đang được xuất khẩu qua nhiều thị trường khác nhau
Đắk Nông đang khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao

Song song với việc tiếp nhận các công nghệ sản xuất mới, địa phương cũng đang xây dựng lực lượng lao động có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, có năng lực tiếp thu và sáng tạo công nghệ mới, lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Tỉnh cũng khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao. Mục tiêu là gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp.

Cơ chế, chính sách cũng có sự điều chỉnh để định hướng dịch chuyển lao động, từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, phân bổ lao động phù hợp giữa các vùng, địa phương.

Theo quy hoạch tỉnh, nhu cầu lao động ở 4 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Đắk Nông rất lớn. Riêng ngành công nghiệp nhôm dự kiến ​​sẽ tạo ra khoảng 6.700 việc làm mới. Ngành năng lượng tái tạo cũng cần khoảng 2.100 - 2.500 lao động; trong đó có khoảng 500 - 900 lao động dài hạn.

Doanh nghiệp đón đầu

Đi trước đón đầu, ngay từ khi mới thành lập, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã xác định, việc xây dựng, phát triển và chăm lo cho đội ngũ lao động có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại của doanh nghiệp.

z6460084314222_5ac8ffb520410a532e796ecc62ffdab8.jpg
Công nhân Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV vận hành dây chuyền sản xuất alumin hiện đại

Hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp bô xít alumin - nhôm, lại là ngành nghề mới nên công ty đang rất cần một nguồn nhân lực lớn, chất lượng cao.

Hiện tại, công ty đang giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động, với thu nhập bình quân vào khoảng hơn 15 triệu đồng/người/tháng.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực những năm qua của Công ty Nhôm Đắk Nông đã có những chuyển biến tích cực, tăng về số lượng, chất lượng, đa dạng về cơ cấu, cách thức, nội dung đào tạo. Trình độ người lao động được tăng lên, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của công ty.

Trong năm 2024, Công ty đã chi hơn 8 tỷ đồng để liên kết mở 9 lớp đào tạo cho gần 1.200 cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ khác.

Đội ngũ lao động được đào tạo theo 3 nhóm chính: quản lý các cấp, chuyên gia kỹ thuật và công nhân kỹ thuật. Đây là trụ cột trong chiến lược phát triển công ty trong giai đoạn mới.

Sản xuất sản phẩm alumin tại Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV
Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đang giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động

Theo đại diện công ty, với môi trường làm việc hiện đại, dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động, đòi hỏi người lao động phải luôn trong tâm thế chủ động, để đổi mới tư duy, nâng cao tay nghề cũng như khả năng tiếp cận với những công nghệ mới.

Tương tự, Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân (Đắk R'lấp) cũng sẽ tạo ra khoảng 950 việc làm trực tiếp khi chính thức vận hành các phân kỳ. Dự án sẽ đóng góp khoảng 900 triệu USD vào GDP của tỉnh mỗi năm.

Nhà đầu tư cam kết sẽ cho ra mẻ nhôm đầu tiên vào quý II/2025. Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến nộp ngân sách bình quân khoảng 70 triệu USD/năm. Để đạt mục tiêu này, công ty đang có sự chuẩn bị bài bản về nhân lực gắn kết với việc vận hành dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất.

cdcd-a685f4d6c830064b7604af4e56f9acf9(1).jpg
Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông dành 70% thời gian đào tạo cho học viên thực hành tại các doanh nghiệp

Tại đơn vị đào tạo như Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông cũng đang có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo nghề theo xu thế chung.

Nhà trường hiện có khoảng 2.000 học viên theo học các ngành công nghiệp như: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, cơ khí hàn, may thời trang, công nghệ thông tin…

Ông Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông chia sẻ: “Qua theo dõi, nhu cầu lao động của các ngành công nghiệp những năm gần đây có sự chuyển dịch khá rõ. Chúng tôi đang thay đổi phương pháp đào tạo để học viên khi ra trường đều có việc làm ngay và hiệu quả”.

Hiện nay, nhà trường đang dành khoảng 70% thời gian đào tạo cho học viên thực hành tại hàng chục doanh nghiệp. Vì vậy, kỹ năng nghề của các bạn được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng lao động của thị trường.

Việc phát triển công nghiệp phải đi cùng với chuẩn bị nhân lực, không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Đây chính là chìa khóa giúp Đắk Nông bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Lê Dung