Văn nghệ

Ánh lửa sáng soi

Đào Thu Hà 30/04/2025 12:29

Đang ngồi đan gùi, thấy bóng người che ánh nắng ở cửa, ama ngước mắt nhìn lên. Phải một lúc, a ma mới nhận ra Y Tân.

Lập cập đứng dậy, Ama vừa vui, vừa trách:

- Ôi là thằng Y Tân à. Tao tưởng mày đã quên đường về cái bon Măng này rồi.

Y Tân không dám cãi Ama. Anh bối rối, ngượng nghịu. Cảm giác xấu hổ đột ngột nảy lên trong đầu anh. Mới chỉ mấy năm thôi mà anh đã trở nên xa lạ với Ama, với bon Măng, với cánh rừng, dòng suối đã sinh ra anh, nuôi nấng anh đến nhường này rồi ư. Anh rụt rè ngồi xuống bếp lửa. Lửa bập bùng, nồng ấm. Lửa như soi sáng mọi ngóc ngách trong tâm hồn anh, khơi gợi trong anh những ký ức đã bị tháng năm vùi lấp.

Bài quy hoạch (1)
Ảnh minh họa

Nhà có khách. Ama hỏi Y Tân có nhận ra ai không. Người đàn ông mái tóc đã bạc trắng nhưng nụ cười hồn hậu qua bao năm tháng như chưa từng thay đổi. Chú Minh. Chú vỗ vai anh, rổn rảng. Chú về hưu rồi, quyết định quay lại bon Măng sống đấy. Già làng đã xin Yang cho chú một miếng đất, dân làng đã góp vật dụng cho chú dựng nhà. Chú thành người bon Măng chính hiệu rồi đấy. Nhìn chú, Y Tân chợt nhận ra Ama cũng đã già rồi. Vậy mà anh thì cứ lông bông mãi. Anh ngồi xuống bếp lửa, ăn cơm lam, im lặng nghe cha và chú Minh ôn lại kỷ niệm những năm tháng xa xôi.

Làm sao Y Tân có thể quên chú Minh được. Ngày Y Tân còn bé, chú là bộ đội ở đơn vị đóng quân gần làng. Cả làng quý mến chú, đám trẻ con đứa nào cũng ước lớn lên làm bộ đội như chú. Thằng bé Y Tân luôn tự hào rằng trong đám trẻ con trong làng, chú Minh quý nó nhất, nó là người thân thiết với chú Minh nhất.

Chú Minh là bộ đội. Mười bảy tuổi, chú có mặt trong đoàn quân giải phóng Tây Nguyên rồi tiến thẳng về Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngày còn bé, năm nào gần đến ngày kỷ niệm thống nhất, Y Tân cũng gặp chú ngồi lặng lẽ bên con suối gần bon, tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống. Chú kể, người bạn thân của chú, học cùng trường, cùng xung phong đi bộ đội, cùng chiến đấu ở một đơn vị đã ngã xuống ngay tại cửa ngõ Sài Gòn. Trong nụ cười hạnh phúc của ngày thống nhất là biết bao máu xương đã đổ xuống, chú không bao giờ quên được. Bởi vậy mà sau ngày giải phóng, chú tiếp tục đi học trong trường quân đội rồi vào công tác tại Tây Nguyên.

Năm ấy, mảnh đất Tây Nguyên ẩn chứa tình hình phức tạp, đặc biệt là hoạt động của đạo Tin lành Đề Ga. Đời sống của người dân còn lạc hậu, cái đói, cái nghèo bủa vây. Chú Minh được phân công xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Xuống hôm trước, hôm sau đã thấy chú cùng bà con lên rẫy tỉa bắp, xắn tay vào công việc cùng mọi người.

Đêm chú ngồi bên bếp lửa nghe già làng kể chuyện. Sáng sớm gà chưa thức đã thấy chú dậy học tiếng nói, tìm hiểu phong tục tập quán của người M’nông, Ê đê. Chú còn tìm cả cây giống, con giống về giúp bà con nuôi trồng, chăm sóc. Chẳng mấy chốc mà bà con dân làng đều yêu mến chú. Đám trẻ con là thích nhất. Mỗi lần chú đi công tác về, đứa nào cũng có quà là vài cái kẹo, cái bánh quy, sang hơn thì có cuốn truyện chuyền tay nhau đọc.

Chú để dành phần cơm của mình cho mấy đứa nhà nghèo, mùa giáp hạt phải nhịn đói. Chú xin già làng mở lớp xóa mù chữ. Biết chữ, cái đầu, đôi mắt của bà con sáng thêm, biết phân biết cái tốt, cái xấu, biết từ chối những lời dụ dỗ. Chú trích tiền lương mua thêm giấy vở, bút sách cho mọi người học. Đám trẻ bon Măng lớn lên từ nắm cơm chú chia cho, đi học xa nhà từ chữ cái đầu tiên chú dạy.

Với cha con Y Tân, chú Minh từ lâu đã thành người thân trong gia đình. Mấy tháng trời Ama bị gãy chân trong một lần vào rừng hái măng không may bị ngã, amí đã mất sớm, công việc nhà dồn lên vai Y Tân. Chú thương Y Tân, hay ghé qua nhà đỡ đần công việc, bỏ tiền mua thuốc thang cho A Ma bồi bổ chóng khỏe, cho mấy ký gạo nấu cháo lần hồi qua ngày khó khăn. Lần Y Tân bị đau bụng, chú cõng Y Tân băng qua đèo, qua dốc cả đêm đưa Y Tân ra trạm quân y, may còn cấp cứu kịp. Ơn của chú, cả nhà Y Tân chẳng bao giờ quên. Ngày chú hoàn thành nhiệm vụ, chuyển công tác, Y Tân khóc to nhất. Cả đám rủ nhau đi hái măng phơi khô gửi chú làm quà. Chú nhận quà, cười mà như mếu, bảo cả mấy bao măng khô như thế này, đơn vị chú chắc phải ăn cả năm mới hết. Chớp mắt mà đã mấy chục năm rồi.

Chú hỏi Y Tân chuyện công việc. Anh không dám nhìn thẳng vào mắt chú. Trải qua năm tháng, đôi mắt chú như dày dạn thêm kinh nghiệm, thấu suốt mọi lẽ ở đời. Y Tân sợ chú nhìn thấy những suy nghĩ không nên có trong đầu mình. Ngày trước, già làng chẳng bảo chú Minh đã thành người con của bon Măng, chú được Yang che chở nên đừng ai có ý nghĩ xấu, đừng ai có ý đồ xấu, không qua được đôi mắt chú đâu.

Trước khi Y Tân về làng, Y Thinh đã đưa cho anh một ít tiền, bảo anh chỉ việc ở nhà, tìm cách móc nối với người làng để xây dựng căn cứ, lôi kéo người dân tham gia tổ chức. Hết tiền Y Thinh sẽ gửi tiếp. Bon là của người mình. Tỉnh là của mình. Không để sáp nhập mà mất tỉnh được. Tây Nguyên cũng là của người mình. Không thể để những kể ở nơi khác chiếm được. Họ lấn rừng của mình, cướp đất của mình, ép mình không được thờ phụng theo đức tin. Họ ngăn cản không cho mình ra nước ngoài đi tìm tự do. Họ không muốn thấy mình sung sướng, giàu có. Mình phải đứng lên đấu tranh. Càng đông người đứng lên đòi lại đất ông bà thì mình càng sớm thành công, càng sớm có được cuộc sống sung túc.

Lời của Y Thinh như cái rễ cây lên mỗi ngày một chút, mở ra viễn cảnh nhà cao cửa rộng, xe sang, tiền nhiều đối lập với cuộc sống văn phòng tẻ nhạt cùng căn phòng trọ nhỏ bé trong xóm trọ ồn ào đã lay động Y Tân, đã khiến anh nghe theo sự chỉ đạo của Y Thinh. Lời hứa của Y Thinh chắc như đinh đóng cột. Khi việc hoàn thành, công đầu là của Y Tân, tiền thưởng sẽ đủ để Y Tân mua đất, xây nhà tầng, mua ô tô đón cha lên hưởng thụ cuộc sống sung sướng. Lúc lên xe, lòng Y Tân ngập tràn sự mong đợi.

Nhưng nhìn cha và chú Minh ngồi nói chuyện bên bếp lửa, Y Tân không biết cha có chấp nhận cuộc sống mà anh cho rằng sẽ giúp cha được thảnh thơi, vui sướng ấy không. Bên bếp lửa, đôi mắt chú Minh sáng rực. Chú tâm sự với Y Tân như ngày nào anh còn bé. Nhận quyết định nghỉ hưu, mặc mấy đứa con phản đối, chú quyết quay lại bon Măng, trả nghĩa ân tình bà con đã đùm bọc, coi chú như người trong nhà từ ngày chú còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Vợ chú đã mất, các con đều khôn lớn trưởng thành có gia đình riêng và bận rộn công việc, chẳng ai cản được chú. Nếu không có bài thuốc lá của bà cụ H’Bia trong lần chú bị ốm nặng tưởng không qua khỏi thì giờ có lẽ chú đã chẳng còn trên đời. Người bon Măng mình nặng tình nghĩa, ngay thẳng thật thà. Chú sẽ mở thư viện, sẽ mở lớp dạy võ, dạy chữ miễn phí cho đám trẻ. Đất nước mình đang đổi mới, đang vươn mình vào kỷ nguyên mới. Đời sống của bà con sẽ khấm khá hơn.

Ama cũng cười tiếp lời chú. Ama kể mấy nay bon có kẻ xấu đến, xuyên tạc chủ trương sáp nhập của Nhà nước, kêu nhập vào mất tên, mất đất. Đất vẫn của ông bà mình, văn hoá mình vẫn giữ, lửa vẫn sáng bên nhà dài, trong nhà rông mỗi đêm. Đâu cũng là quê hương mình, đất nước mình, đâu cũng là đồng bào mình cả, làm sao phải phân biệt. Lũ người xấu ấy bị bon làng đuổi đi rồi. Đứa nào cứng đầu, già làng báo bộ đội biên phòng, báo công an. Bà con mình đang yên ổn làm ăn, năm rồi tiêu, cà phê được giá, mua được xe đẹp, xây được nhà to, việc gì phải nghe theo bọn xấu rủ rê mà mất hết.

Lời nói của chú Minh, của Ama như mũi tên cắm vào ngực Y Tân, làm thui chột cái rễ độc đang định len lỏi, lấn át hết mọi lời răn dạy, mọi lời chỉ bảo đã được nghe từ tấm bé. Tiếng anh khàn đặc nhưng dứt khoát:

- Chú Minh à. Con muốn nói với chú cái này…

Và rồi Y Tân thấy ngọn lửa từ thuở hồng hoang cha ông đã thắp lên để xua đuổi thú dữ, xua tan đêm đen bỗng cháy bừng trong anh. Y Tân biết, mình đã làm đúng. Ama nói phải. Đời sống của bon làng mình ngày càng khấm khá, đất nước đang vươn mình, ai mà còn mù quáng nghe theo kẻ xấu nữa…

Đào Thu Hà