Công nghiệp chế biến - Động lực tăng trưởng kinh tế Đắk Nông
Công nghiệp chế biến, chế tạo ở Đắk Nông có mức tăng trưởng cao. Lĩnh vực này đang tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nỗ lực từ doanh nghiệp
Một trong những điểm sáng của ngành công nghiệp chế biến tại Đắk Nông đó là sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản.

Công ty TNHH Thương mại Xuất khẩu Nghiệp Xuân là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, rau củ các loại hàng đầu tại Đắk Nông. Các sản phẩm chế biến chủ yếu của công ty như: trái cây cấp đông, gia vị (gừng, nghệ, quế, hồi, sả, chuối…).
Tất cả các sản phẩm của công ty đều đạt các chứng nhận quốc tế, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính như: Úc, EU, Canada, Trung Quốc…
Đặc biệt, công ty đã áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói và bảo quản, nhất là với mặt hàng chủ lực sầu riêng.

Nguyên liệu đầu vào để chế biến nông sản chất lượng được công ty lựa chọn kỹ lưỡng, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và an toàn thực phẩm từ các thị trường xuất khẩu.
Chỉ tính riêng trong quý I/2025, công ty đã sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 1.000 tấn sản phẩm các loại, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm chế biến của công ty ngày càng đa dạng, được đối tác đánh giá cao về chất lượng.
Không ngoài cuộc, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát cũng tạo dấu ấn với các khoản đầu tư hơn 15 tỷ đồng vào công nghệ chế biến hiện đại. Ngay trong những tháng đầu năm, công ty đã xuất khẩu thành công nhiều đơn hàng sang Mỹ.

“Sản phẩm nông sản sấy thăng hoa được khách hàng rất ưa chuộng. Là sản phẩm hoàn toàn nguyên chất, nhiều dinh dưỡng, không phẩm màu, hóa chất nên rất an toàn khi sử dụng và bắt kịp xu hướng tiêu dùng trên thế giới”, Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Ngọc Hương chia sẻ.
Những năm gần đây, Đắk Nông xuất hiện nhiều sản phẩm nông sản mới, được các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư công nghệ chế biến hiện đại. Điều này thể hiện bước tiến cho nông sản của địa phương trong việc khẳng định thế mạnh, sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.
Xu hướng đầu tư vào công nghệ chế biến sâu của Đắk Nông ngày càng rõ ràng hơn, nhất là các công nghệ bảo quản lạnh, sấy thăng hoa, chiết xuất tinh dầu hay đóng gói tự động…

Theo Sở Công thương Đắk Nông, chuyển đổi công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao sản phẩm chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản, mà vẫn mở ra cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Quý I/2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của Đắk Nông tăng 5,89% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,72%.
Chính sách đồng hành
Theo thông tin từ Chi cục Thống kê Đắk Nông, trong quý I/2025, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn có những chuyển biến tích cực hơn so với năm 2024.

Phần lớn các sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực của Đắk Nông đạt mức tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước.
Nổi bật như: khí CO2 đạt 1.492 tấn, tăng 147%; cà phê bột: 495 tấn, tăng 1%; cà phê nhân: 99.000 tấn, tăng 9%; sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ: 20.200 cái, tăng 18%; mủ cao su: 4.297 tấn, tăng 2%; hạt điều nhân: 2.132 tấn, tăng 8%; đậu phộng, đậu nành sấy: 772 tấn, tăng 44%...
Quý I/2025, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Đắk Nông giảm 19,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 47,88% so với cùng thời điểm năm trước.
Kết quả khảo sát điều tra của ngành chức năng cũng cho thấy, 73,08% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo của Đắk Nông dự báo trong quý II/2025, xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so quý I.
Trong đó, có 19,23% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; có 53,85% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Sự cải thiện này đến từ những yếu tố liên quan của doanh nghiệp như: Biến động của các yếu tố đầu vào về số lượng đơn đặt hàng, sử dụng lao động, chi phí sản xuất, công suất sử dụng máy móc, thiết bị; dự kiến khối lượng sản xuất, giá bán bình quân của một sản phẩm; biến động tồn kho thành phẩm, tồn kho nguyên, vật liệu…
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp nói chung, ngành Công thương Đắk Nông luôn triển khai việc nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm chắc tình hình hoạt động, đầu tư của các dự án.

Sở Công thương chỉ đạo quyết liệt việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, đơn vị tập trung đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Sự phát triển của doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, bởi đây là ngành chủ lực của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Đắk Nông nói chung.
Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành công nghiệp chế biến đang ngày càng khẳng định vai trò dẫn dắt, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu trong kịch bản tăng trưởng kinh tế của Đắk Nông trong năm 2025.