Kinh tế

Mục tiêu 7 triệu tấn alumin, nhôm và đòi hỏi hạ tầng giao thông

Lê Phước 25/04/2025 08:58

Sản lượng alumin và nhôm đang tăng nhanh và đè nặng lên hệ thống giao thông. Trong bối cảnh đó, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Áp lực tăng dần

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đầu tư, đưa vào vận hành hai dự án khai thác bô xít, sản xuất alumin tại Tây Nguyên.

Trong đó, Dự án tổ hợp bô xít - nhôm Lâm Đồng (Nhà máy Alumin Tân Rai) vận hành từ tháng 10/2013 và Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) vận hành từ tháng 7/2017. Hai tổ hợp khai thác bô xít, sản xuất alumin này đều có công suất 650.000 tấn/năm.

Tính đến hết năm 2024, hai nhà máy đã nộp ngân sách hơn 10.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 2.400 lao động địa phương, hỗ trợ an sinh xã hội hơn 500 tỷ đồng…

anh nha may
Nhà máy Alumin Nhân Cơ là một trong hai dự án khai thác

Hiện nay, quặng bô xít từ các mỏ về nhà máy tuyển được vận chuyển bằng ô tô chuyên dùng, sử dụng đường nội bộ trong mỏ. Tinh quặng bô xít (sau tuyển rửa) được đưa về nhà máy sản xuất alumin được vận chuyển bằng băng tải, có mái che.

Sản phẩm alumin của hai nhà máy đều được xuất khẩu. Sau quá trình chế biến, sản phẩm alumin sẽ được các xe ô tô tải vận chuyển bằng đường bộ từ nhà máy xuống cảng Gò Dầu (tỉnh Đồng Nai). Ở chiều ngược về, các xe tải này sẽ chở than từ cảng lên các nhà máy.

Theo TKV, mỗi nhà máy alumin vận chuyển hàng hóa đi - về khoảng gần 23.000 chuyến mỗi năm. Các xe vận chuyển có tải trọng lớn, lưu thông trên các tuyến đường đèo dốc, nhỏ hẹp và qua các khu dân cư nên dễ gây ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

dji_0285.jpg
Quốc lộ 28 đoạn qua Đắk Nông chật chội, xuống cấp nhiều vị trí

Trong kế hoạch của mình, khoảng năm 2030, TKV sẽ nâng công suất lên 2 triệu tấn mỗi nhà máy. Tại Lâm Đồng, TKV sẽ xây dựng một nhà máy điện phân nhôm có công suất 0,5 triệu tấn/năm.

Tại Đắk Nông, TKV sẽ đầu tư mới thêm Tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Nông 2 với công suất 2 triệu tấn alumin và 0,5 triệu tấn nhôm/năm.

Dự kiến sau khi đầu tư, TKV có thể sản xuất đạt sản lượng lớn nhất là 6 triệu tấn alumin và 1 triệu tấn nhôm mỗi năm. Riêng tại Đắk Nông, sản lượng thiết kế có thể lên tới 4 triệu tấn alumin và 0,5 triệu tấn nhôm. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ tăng gấp hơn 6 lần so với hiện tại, gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông.

Không riêng gì TKV, hiện nhiều tập đoàn trong nước đã nộp hồ sơ để đầu tư, khai thác, chế biến bô xít tại Đắk Nông với tổng vốn đăng ký lớn.

a IMG_9166
Khâu vận chuyển alumin hiện nay và nhôm sắp tới đang là thách thức đối với hạ tầng giao thông Đắk Nông

Theo quy hoạch của Trung ương, Đắk Nông sẽ xây dựng thêm 4 nhà máy về khai thác, chế biến bô xít với tổng mức đầu tư mỗi dự án không dưới 1 tỷ USD. Đây là thời cơ rất lớn để Đắk Nông bứt phá, phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế.

Tuy nhiên, mạng lưới giao thông vận tải của khu vực Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Riêng với Đắk Nông, hiện nay chỉ có duy nhất phương thức vận tải là đường bộ. Đây là điểm nghẽn lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và việc mở rộng các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị nhôm nói riêng.

Chờ cao tốc để tạo đột phá

Theo quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2023, Đắk Nông hơn 57% trữ lượng bô xít cả nước với gần 1,8 tỷ tấn quặng.

Trong thời kỳ 2021 - 2030, diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít của Đắk Nông khoảng 179.600ha, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh.

a DJI_0859
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn Đắk Nông

Tháng 3/2022, Bộ Chính trị đã kết luận, định hướng phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm theo chuỗi giá trị nhôm. Thủ tướng Chính phủ đã xác định xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp khai thác bô xít - alumin - nhôm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho rằng, do nguồn lực hạn chế, việc đầu tư hạ tầng giao thông tại Đắk Nông chưa đồng bộ.

Để phát huy lợi thế và thúc đẩy khát vọng phát triển, Đắk Nông xác định tầm quan trọng đặc biệt của việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tiếp tục xác định, phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá của tỉnh.

a DJI_0852
Phần lớn lượng alumin hiện nay của Đắk Nông được vận chuyển theo đường Hồ Chí Minh

Thời gian qua, Đắk Nông đã tích cực phối hợp với tỉnh Bình Phước thúc đẩy triển khai Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành. Dự án này đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 6/2024.

Cuối tháng 4/2025, tỉnh Bình Phước và tỉnh Đắk Nông đã đồng loạt tổ chức khởi công dự án thành phần đi ngang qua địa bàn, thuộc dự án cao tốc. Dự kiến, cao tốc sẽ đầu tư và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, sử dụng năm 2027.

Ở một hướng khác, tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông hiện đã làm việc và thống nhất đầu tư các tuyến giao thông kết nối địa phương. Trong đó, hai tỉnh xúc tiến về việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 28 và xây dựng tuyến đường giao thông động lực Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Bảo Lâm (Lâm Đồng).

Hiện nay, các tỉnh đang xúc tiến khảo sát tuyến đường cao tốc kết nối TP. Phan Thiết (Bình Thuận) - TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) - TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông). 3 tỉnh sẽ họp và thống nhất phương án đầu tư hợp lý nhất để kiến nghị Trung ương bổ sung tuyến cao tốc này vào quy hoạch.

Nếu các trục đường được nâng cấp và cao tốc kết nối 3 tỉnh hình thành, Đắk Nông sẽ có thêm trục kết nối sang phía Đông, hướng ra biển.

Hệ thống băng tải khép kín đưa bô xít sau tuyển rửa về Nhà máy Alumin Nhân Cơ để sản xuất góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Hệ thống băng tải khép kín đưa bô xít sau tuyển rửa về Nhà máy Alumin Nhân Cơ để sản xuất góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Cung đường vận chuyển chuỗi sản xuất nhôm nói riêng, hàng hóa nói chung từ Đắk Nông sẽ có thêm lựa chọn khi di chuyển qua Lâm Đồng, kết nối xuống TP. Hồ Chí Minh bằng cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đang được xúc tiến đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên nhấn mạnh: Cao tốc được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới đối với Đắk Nông và Tây Nguyên.

Những con đường này sẽ góp phần gỡ được điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tạo thành đột phá cho ngành công nghiệp nhôm nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung.

Ngoài đường bộ, Đắk Nông đang kiến nghị Trung ương ưu tiên nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành để kết nối với đường sắt xuyên Á, xuống cảng Thị Vải phục vụ vận chuyển alumin, nhôm tinh chế và sản phẩm sau nhôm. Tỉnh cũng có kiến nghị bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận để kết nối con đường đưa chuỗi hàng hóa công nghiệp nhôm ra cảng biển.

Lê Phước