Giám sát các dự án đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 22:23, 23/04/2025

Các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Để giải ngân nguồn lực hiệu quả, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc triển khai các dự án là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.

Giám sát không đơn thuần là kiểm tra số liệu hay tiến độ, mà quan trọng hơn là đánh giá được hiệu quả thực chất, mức độ lan tỏa, tính bền vững và đặc biệt là sự hài lòng của người dân, những đối tượng thụ hưởng trực tiếp. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương trong khu vực đã chủ động tổ chức các đợt kiểm tra nội bộ, tuy nhiên quy mô và tần suất còn hạn chế, một số đơn vị vẫn gặp khó khăn trong phối hợp giữa các cấp, ngành. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư lớn nhưng không đều, việc thiết lập hệ thống giám sát độc lập, có sự tham gia của cộng đồng là một hướng đi cần được nghiên cứu và thể chế hóa.

Giải pháp định hướng giám sát hiệu quả chính là dựa trên kết quả đầu ra và tác động xã hội. Giám sát cần làm rõ tác động thực sự như: Người dân có tiếp cận được nước sạch không? Chuyển đổi nghề có giúp họ thoát nghèo bền vững không? Trẻ em dân tộc thiểu số có được học tập tốt không? Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát cộng đồng, phát huy vai trò giám sát của người dân, trưởng thôn, tổ dân phố, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua các tổ giám sát cộng đồng. Đây là lực lượng tại chỗ, hiểu rõ địa bàn, có thể phát hiện kịp thời những bất cập trong quá trình triển khai. Bà con luôn mong muốn nhận được sự hỗ trợ thiết thực giúp cuộc sống ngày càng ổn định, khá lên.

Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát cũng cần được quan tâm. Việc thiết lập các nền tảng theo dõi tiến độ dự án theo thời gian thực sẽ giúp minh bạch hóa thông tin, tăng cường sự tham gia của người dân. Mỗi công trình, dự án nên có mã hoặc ứng dụng quản lý riêng để người dân tra cứu, góp ý. Cơ quan chủ quản cần định kỳ công khai kết quả giám sát, kiểm tra. Các địa phương cần tổ chức các cuộc đối thoại giám sát định kỳ giữa chính quyền, cơ quan thực hiện và người dân để kịp thời điều chỉnh, đồng thời tạo niềm tin vào chính sách.

Nhìn chung, với tiềm năng và quyết tâm cao của các địa phương trong khu vực về thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư vùng dân tộc thiểu số, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số để xây dựng một hệ thống giám sát vừa khoa học, vừa mang lại hiệu quả thiết thực, lấy người dân làm trung tâm. Hướng đến các nguồn lực đầu tư của Nhà nước thực sự đến từng thôn, buôn, mang lại sự thay đổi rõ rệt, toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

TƯỜNG MINH