Biểu tượng hòa bình ở xứ sở cà phê
Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột với chiếc xe tăng huyền thoại là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu của thành phố.
Công trình được xây dựng nhằm tưởng nhớ, tri ân những hy sinh vì độc lập, tự do cho đất nước của các thế hệ đi trước trong trận chiến giải phóng Buôn Ma Thuột cách đây vừa tròn nửa thế kỷ.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, một sự kiện trọng thể được tổ chức dưới Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột là chương trình cầu truyền hình “Bản trường ca hòa bình” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người thu hút sự quan tâm đặc biệt tại sự kiện hôm đó là Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 – chứng nhân lịch sử trong trận chiến oai hùng năm xưa…
Trong trận đánh vào Buôn Ma Thuột hơn 50 năm trước, ông Đoàn Sinh Hưởng là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3). Ông trực tiếp chỉ huy xe tăng số hiệu 980 dẫn đầu đội hình xe tăng cùng bộ binh Tiểu đoàn 4 bất chấp nguy hiểm lao vào giữa làn đạn, tấn công tiêu diệt nhiều cụm hỏa lực địch, hỗ trợ bộ binh đánh thẳng vào khu trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại trận đánh Buôn Ma Thuột, xe tăng 980 tiếp tục tham gia đội hình của Đại đội 9 đánh chiếm thị xã Cheo Reo, tỉnh Phú Bổn (nay là thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Một thời gian sau, đơn vị của ông Hưởng nhận lệnh giao xe 980 cho đơn vị khác. Được biết, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng 980 đã bị bắn cháy tại khu vực cầu Xáng (nay thuộc địa bàn huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh).
Để khắc ghi chiến công vang dội mùa Xuân năm 1975 lịch sử, năm 1995, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột tại Ngã Sáu trung tâm thành phố với hình ảnh biểu tượng là mô hình chiếc xe tăng T34 mang số hiệu 945. Sau những ý kiến góp ý của các nhân chứng và nhà sử học, năm 1997, tỉnh đã quyết định sửa đổi, thay chiếc xe tăng trên tượng đài thành xe tăng T54 và số hiệu xe từ 945 đổi thành 980.
Chiếc xe tăng ở tượng đài không chỉ là hình ảnh của chiến thắng quân sự, mà còn là một biểu tượng của lòng dũng cảm, hy sinh và tinh thần kiên cường và là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình, tự do và độc lập. Ngày nay, tượng đài và chiếc xe tăng không chỉ là một phần của lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với TP. Buôn Ma Thuột. Đây là điểm checkin không thể bỏ qua của hầu hết du khách khi đến với vùng đất được mệnh danh là "thủ phủ" cà phê.