Pháp luật

Cỏ ngọt thành quả đắng vì doanh nghiệp liên kết chạy làng

Hoàng Thanh 22/04/2025 07:55

Một nông dân ở TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) liên kết với một công ty trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, công ty này đã vi phạm hợp đồng, không tiêu thụ sản phẩm, khiến người dân mất tiền đầu tư.

Gia đình bà Hoàng Thị Hương ở phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa có gần 1ha đất. Tháng 8/2023, bà Hương ký hợp đồng liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp và dược liệu công nghệ cao Thành Đạt organic group (Công ty Thành Đạt), trụ sở tại buôn Hđớt, xã Eakao, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Người đại diện công ty là ông Lê Phú Hưng, chức vụ giám đốc. Công ty này có văn phòng đại diện tại số 06 Kim Đồng, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa.

img_0268(1).jpg
Gia đình bà Hoàng Thị Hương đầu tư hàng chục triệu đồng cho hệ thống điện, nước tưới cho cây dược liệu

Theo hợp đồng, Công ty Thành Đạt (bên A) và bà Hoàng Thị Hương (bên B) liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu là cây cỏ ngọt. Vườn dược liệu được canh tác và chăm sóc theo quy trình định hướng hữu cơ. Tổng diện tích sản xuất là 5.000m2.

Theo hợp đồng, bên A sẽ cung cấp cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Còn bên B chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống tưới tiêu.

Tổng mức đầu tư vườn dược liệu trên 134 triệu đồng, trong đó, bên A đầu tư 53%, tương ứng 71 triệu đồng; bên B đầu tư 47%, tương ứng 63 triệu đồng.

Hợp đồng có điều khoản bên A thu mua sản phẩm dược liệu cho bên B với giá 6.000 đồng/kg (gồm toàn bộ thân, cành, lá cỏ ngọt xanh tươi không hư hỏng vàng úa, thối rữa).

Sau khi ký kết hợp đồng, bà Hương đã chuẩn bị đất trồng, đầu tư hệ thống tưới nước bằng điện 3 pha… Dẫu vậy, sau nhiều tháng, Công ty Thành Đạt mới thực hiện hợp đồng với một số khâu như đầu tư cây giống, nhân công…

Đến tháng 10/2024, bên A và bên B tiến hành làm lại hợp đồng, điều chỉnh một số thỏa thuận, trong đó có việc hạ giá mua sản phẩm dược liệu từ 6.000 đồng/kg xuống còn 4.000đồng/kg.

Đối với cây cỏ ngọt, sau khi trồng 2 - 3 tháng sẽ cho thu hoạch, vòng đời cây là 2 - 3 năm. Tuy nhiên, sau khi trồng cỏ ngọt được một thời gian, Công ty Thành Đạt đã "bặt vô âm tín". Sản phẩm đến kỳ thu hoạch nhưng công ty không thu mua, khiến gia đình bà Hương chịu nhiều thiệt hại.

img_0273(1).jpg
Vườn cỏ ngọt của bà Hoàng Thị Hương không được thu hoạch dẫn đến hoang phế

Bà Hương cho biết: “Tôi đầu tư hệ thống điện, nước tưới lên tới vài chục triệu nhưng khi đến ngày thu hoạch bên công ty đã không thu mua. Họ còn tạm ứng của tôi mấy chục triệu đồng nhưng đòi mãi mới trả được 10 triệu đồng”.

Từ đầu năm 2025 đến nay, bà Hương đã nhiều lần điện thoại cho ông Lê Phú Hưng, Giám đốc Công ty Thành Đạt thúc giục ông thu mua dược liệu và đòi tiền tạm ứng nhưng ông này không nghe máy, nhắn tin không nhắn lại.

Cách đây hơn 1 tháng, ông Hưng chuyển khoản trả một ít tiền cho bà Hương, sau đó tắt điện thoại. Hiện số điện thoại của ông Hưng không liên lạc được.

“Với diện tích đất trên, nếu trồng cà phê thì tôi đã có thu. Việc liên kết trồng cỏ ngọt khiến tôi thiệt đơn, thiệt kép. Nếu trong thời gian ngắn nữa ông Hưng không trả tiền đã ứng của tôi, tôi sẽ kiện đến cơ quan chức năng”, bà Hương bức xúc.

1000008315(1).jpg
Cây cỏ ngọt phơi khô có giá 150.000đồng/kg trên thị trường hiện nay

Bà Hương còn cho biết thêm, không chỉ riêng gia đình bà mà Công ty Thành Đạt còn liên kết với một số hộ dân khác trên địa bàn Đắk Nông để trồng cỏ ngọt và đều xảy ra tình trạng tương tự.

Việc Công ty Thành Đạt liên kết trồng cây dược liệu nhưng không tiêu thụ sản phẩm cho người dân gây thiệt hại về kinh tế là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo một luật sư ở TP. Gia Nghĩa, vụ việc có tính chất tranh chấp dân sự bằng hợp đồng kinh tế. Do đó, bà Hoàng Thị Hương và những người khác có thể khởi kiện Công ty Thành Đạt ra tòa án dân sự để xử lý tranh chấp theo quy định pháp luật.

Qua sự việc trên, người dân cần cẩn thận hơn trong việc liên kết trong nông nghiệp. Người dân cần tìm những đơn vị có uy tín, tránh gặp trường hợp như trên.

Hoàng Thanh