Doanh nghiệp Đắk Nông ứng phó với biến động của đô la
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Đắk Nông điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh, đa dạng thị trường để vượt qua những biến động giá đô la (USD).
Linh hoạt trước biến động của USD
Ngay từ những tháng đầu năm 2025, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp tại Đắk Nông đã sôi động trở lại. Tuy nhiên, tỷ giá USD liên tục leo thang đã tạo ra không ít áp lực lên chi phí, dòng tiền và khả năng duy trì đơn hàng của các đơn vị.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Yến Nhi, huyện Tuy Đức, chuyên chế biến chanh dây và sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Những biến động hiện tại từ thị trường đang có những tác động gián tiếp tới tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty.
Ông Vũ Đình Chiện, đại diện Công ty cho biết: “Do tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ cũng như biến động từ tỷ giá USD nên sản lượng xuất khẩu hàng hóa của công ty hiện giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Để phòng ngừa những rủi ro từ thị trường, công ty đang tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất tự động để tăng năng suất lao động. Công ty kỳ vọng dây chuyền mới giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Là doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng nông sản đi các nước trong nhiều năm, Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ, huyện Tuy Đức, đang chịu nhiều áp lực khi tỷ giá USD tăng.
Ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty cho hay, tỷ giá USD tăng, theo lẽ tự nhiên thì đây là việc đáng mừng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc này cũng sẽ khiến cho các đối tác ở nước ngoài phải giảm sản lượng nhập khẩu từ Việt Nam. Đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tại Đắk Nông cũng sụt giảm theo.
Lợi ích từ tỷ giá USD sẽ bị hạn chế. Công ty hiện đang tìm cách đầu tư ổn định nguồn nguyên liệu và tập trung cho thị trường trong nước. Từ đó, giúp giảm những tác động lớn từ thị trường xuất khẩu trong giai đoạn này.
Theo ông Long, công ty hiện đang đẩy mạnh liên kết trồng từ 200 - 300ha chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, diện tích chanh dây này cung ứng cho nhà máy của công ty khoảng 6.000 tấn chanh dây nguyên liệu, đáp ứng được 70 - 80% sản lượng sản xuất tại chỗ.

Cùng với đó, công ty đẩy mạnh tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước để duy trì ổn định chuỗi sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động.
Trong quý I/2025, công ty xuất khẩu được khoảng 1.000 tấn chanh dây, với giá bán gấp đôi so với năm ngoái; trong đó, thị trường nội địa đang chiếm 30 - 40%.
“Cắt giảm chi phí vận hành, sản xuất sản phẩm tối ưu và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý là các biện pháp đang được công ty đẩy mạnh trong bối cảnh tỷ giá USD biến động hiện nay”, ông Long chia sẻ.
Theo Sở Công thương Đắk Nông, trong quý 1/2025, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 253,9 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 22,9% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu của tỉnh thực hiện được 59,6 triệu USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt 11,9% kế hoạch.
Đề phòng các rủi ro
Tỷ giá USD leo thang khiến các doanh nghiệp tại Đắk Nông phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới để ổn định hoạt động.
Các chuyên gia cho rằng, tỷ giá tăng là điều mà các doanh nghiệp không thể can thiệp được nhưng cần có sự tỉnh táo và linh hoạt hơn để hạn chế những tiêu cực.

Trước những biến động của tỷ giá USD, các doanh nghiệp cần chú ý bám sát diễn biến để kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Doanh nghiệp cần lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu để đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần phụ thuộc vào đồng USD.
Ngoài ra, việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực có đồng tiền ổn định hoặc có chính sách tỷ giá ổn định đối với Việt Nam là cách để giảm phụ thuộc vào USD.
Một hướng đi được khuyến nghị là mở rộng thị trường xuất khẩu sang những khu vực có đồng tiền ổn định hoặc chính sách tỷ lệ giá ổn định với Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc… Doanh nghiệp sử dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro để giảm thiểu tác động bất thường ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Đắk Nông đang tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại, thương mại điện tử quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tìm thêm thị trường xuất khẩu thay thế.
Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và tìm nguồn cung nguyên vật liệu từ các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi thuế suất cao để giảm chi phí sản xuất.
Thực tế đã cho thấy, trong tháng 4/2025, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã vượt qua mức 26.000 đồng/1 USD ở chiều bán ra. Dù đã có điều chỉnh giảm nhẹ vào ngày 11/4/2025 (còn 25,920 đồng/1 USD), nhưng tỷ giá USD vẫn duy trì ở mức cao.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, dự báo tỷ giá USD sẽ tăng khoảng 10% trong năm nay. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ các chính sách thuế mới của Mỹ.
Tỷ giá USD tăng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu trong việc lập kế hoạch tài chính do không thể dự báo chính xác chi phí sản xuất, giá bán sản phẩm cụ thể… Từ đó, ảnh hưởng đến dòng tiền vay nợ bằng USD tại ngân hàng.
Một chuyên gia kinh tế phân tích, diễn biến tỷ giá phức tạp, khó lường thể hiện rõ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sắc thuế. Đặc biệt, khi đối tác thương mại áp dụng trả đũa chắc chắn thị trường tài chính tiền tệ sẽ có những diễn biến phức tạp hơn.
Theo Cục Thống kê Đắk Nông, chỉ số giá USD tháng 3/2025 tăng 0,98% so với tháng trước, tăng 3,56% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,12% so với tháng 12/2024 và tăng 9,07% so với kỳ gốc năm 2019. Bình quân quý I/2025, giá USD tăng 3,59% so với bình quân cùng kỳ.