Chỉ được mua bán thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ

Chính sách - Ngày đăng : 19:10, 19/04/2025

Dưới đây là bài viết về việc chỉ được mua bán thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ.

Chỉ được mua bán thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ (Hình từ Internet)

Ngày 17/04/2025 Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 41/CĐ-TTg về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

1. Chỉ được mua bán thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ

Vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa và một số địa phương; đáng lưu ý là hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt là hàng chục loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được sản xuất, đưa vào lưu thông.

Chính vì vậy, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là bảo đảm chất lượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc; chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

2. Thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc

Căn cứ khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 quy định:

Thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không có dược chất, dược liệu;

b) Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;

c) Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại khoản 32 Điều này trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;

d) Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.

Theo đó, khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định:

Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên,thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ là loại thuốc không có đầy đủ thông tin về nguồn gốc sản xuất, bao gồm:

- Tên thuốc: Tên chính thức của thuốc, bao gồm tên hoạt chất và tên thương mại.

- Số đăng ký: Số đăng ký do cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cho thuốc lưu hành.

- Nhà sản xuất: Tên và địa chỉ của nhà sản xuất thuốc.

- Hạn sử dụng: Ngày hết hạn sử dụng của thuốc.

- Thành phần: Danh sách các thành phần có trong thuốc, bao gồm hoạt chất và tá dược.

- Công dụng: Chỉ định điều trị của thuốc.

- Liều dùng: Cách dùng và liều lượng của thuốc.

- Chống chỉ định: Những trường hợp không được sử dụng thuốc.

- Tác dụng phụ: Những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc.

Ngoài ra, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ:

- Chất lượng kém: Thuốc có thể không đảm bảo chất lượng, không đạt tiêu chuẩn về độ tinh khiết và hàm lượng hoạt chất.

- Nguy cơ ngộ độc: Thuốc có thể chứa các chất độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.

- Nguy cơ tương tác thuốc: Do không có đầy đủ thông tin về thành phần, người sử dụng có thể gặp nguy cơ tương tác thuốc khi sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc.

- Khó kiểm tra nguồn gốc: Khi xảy ra tác dụng phụ, người sử dụng khó có thể truy tìm nguồn gốc và yêu cầu bồi thường.

Nguyễn Thị Mỹ Quyền