Thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 2 ĐHQG TPHCM năm 2025

Chính sách - Ngày đăng : 13:50, 18/04/2025

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 2 ĐHQG TPHCM năm 2025

Thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 2 ĐHQG TPHCM năm 2025

Thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 2 ĐHQG TPHCM năm 2025 (Hình từ internet)

Thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 2 ĐHQG TPHCM năm 2025

Theo Thông báo về các mốc thời gian Kỳ thi Đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM năm 2025 thì sau đây là các mốc thời gian thi đánh giá năng lực đợt 2 ĐHQG TPHCM năm 2025:

- Thời gian mở cổng đăng ký dự thi: 17/4 - 07/5/2025.

- Ngày thi: Sáng Chủ Nhật, ngày 01/6/2025.

- Địa điểm thi:

+ Trung và Nam Trung Bộ: Huế, Bình Định và Khánh Hòa;

+ Tây Nguyên: Đắk Lắk và Lâm Đồng;

+ Đông Nam Bộ: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu;

+ Tây Nam Bộ: Tiền Giang và An Giang.

Các mốc thời gian chính tổ chức kỳ thi:

STT 

Hoạt động

Thời gian

1. 

Mở đăng ký dự thi 

17/4/2025

2. 

Kết thúc đăng ký dự thi 

07/5/2025

3. 

Chốt số liệu thí sinh dự thi 

09/5 – 10/5/2025

4. 

Thành lập Hội đồng thi và Ban chức năng 

8/5 – 16/5/2025

5. 

Công tác chuẩn bị tổ chức thi 

7/5 – 30/5/2025

6. 

Họp Hội đồng thi 

19/5 – 24/5/2025

7. 

Thông báo phiếu báo dự thi cho thí sinh 

24/5/2025

8. 

Tổ chức thi 

01/6/2025

9. 

Chấm thi 

02/6 – 15/6/2025

10. 

Thông báo kết quả thi cho thí sinh 

16/6/2025

Lưu ý:  

- Từ năm 2025, ĐHQG-HCM sẽ không gửi giấy báo điểm bằng đường bưu điện tới thí sinh. Thí sinh sẽ chủ động truy cập vào trang thông tin điện tử của Kỳ thi ĐGNL ĐHQG-HCM để in giấy báo điểm.  

- Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo ĐHQG-HCM sẽ thực hiện xác minh kết quả thi ĐGNL ĐHQG-HCM của thí sinh khi nhận được yêu cầu từ các Trường Đại học, Cao đẳng có sử dụng kết quả thi ĐGNL ĐHQG-HCM để tuyển sinh.

Như vậy, thời gian đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 2 ĐHQG TPHCM năm 2025 là từ ngày 17/4 đến ngày 07/5/2025.

Quy định về cấu trúc bài thi đánh giá năng lực

Theo Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT (sửa đổi tại Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT) quy định cấu trúc thi tuyển sinh đại học phải đáp ứng quy định sau: 

- Đề thi phải được xây dựng theo đề cương. Đề cương đề thi (bao gồm cấu trúc và dạng thức đề thi, phạm vi và tiêu chí đánh giá) phải thể hiện được yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để học tập thành công ở trình độ đào tạo. Đề cương đề thi phải được công bố cho thí sinh ít nhất 30 ngày trước ngày thi.

- Cấu trúc đề thi đối với kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi độc lập phải chứa thành phần của nội dung môn toán hoặc môn ngữ văn cùng với ít nhất hai môn học khác trong chương trình cấp THPT phù hợp với yêu cầu của nhóm ngành, ngành đào tạo; các nội dung đưa vào đề thi phải phù hợp với những quy định của pháp luật về giáo dục và văn hóa.

- Phạm vi đánh giá của đề thi đối với kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi độc lập bám sát và không vượt quá phạm vi kiến thức chương trình THPT hiện hành; riêng phạm vi đánh giá của kỳ thi bổ trợ dựa trên yêu cầu về tài năng, năng khiếu hoặc phẩm chất đặc biệt của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá phải dựa trên các cấp độ năng lực, tư duy; phân loại được năng lực của thí sinh, đáp ứng mức độ phù hợp của thí sinh đối với các chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo thuộc phạm vi tuyển sinh.

- Đề thi được xây dựng dựa trên trích xuất ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn, hoặc được xây dựng mới theo quy trình bảo mật tuyệt đối. Trong trường hợp tổ chức nhiều đợt thi, hoặc một đợt thi có nhiều đề thi thì các đề thi phải bảo đảm tính tương đương. Câu hỏi thi phải được diễn đạt rõ ràng, không đa nghĩa.

- Đề thi phải được một hội đồng ra đề thi chịu trách nhiệm xây dựng và phải được một hội đồng thẩm định đề thi chịu trách nhiệm thẩm định. Tổ chức và hoạt động của hội đồng ra đề thi và hội đồng thẩm định đề thi phải độc lập với nhau và độc lập với các nhóm xây dựng ngân hàng câu hỏi thi (nếu có).