Cải cách tiền lương: Khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc

Chính sách - Ngày đăng : 14:50, 18/04/2025

Tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, theo đó khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc.

Cải cách tiền lương: Khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc (hình ảnh từ Internet)

Ngày 17/4/2025, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo Nghị quyết 142/2024/QH15 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cải cách tiền lương: Khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc

Cụ thể, thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính làm rõ số lượng tổ chức và biên chế đã giảm trong giai đoạn 1 sắp xếp tổ chức bộ máy của các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương vừa qua. Từ đó, tính toán tiết kiệm ngân sách như thế nào. Tới đây nhập xã, nhập tỉnh, số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo Nghị định 177, 178 là bao nhiêu.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có ra được con số thì mới đánh giá được một cách cụ thể qua các đợt tinh gọn, giảm được bộ máy, biên chế, từ đó tiết kiệm được ngân sách là bao nhiêu để bố trí cho đầu tư phát triển, chế độ chính sách an sinh xã hội. Những vấn đề này đều phải tính toán cân đối kỹ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phụ trách lĩnh vực này, cùng lãnh đạo Ủy ban Kinh tế và Tài chính làm việc cụ thể với các cơ quan có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận việc tăng lương tối thiểu phù hợp với chi phí sinh hoạt. Không như trước đây, chưa tăng lương giá đã tăng, trong đợt tăng lương 01/7/2024, lương tăng nhưng giá cả không tăng.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị quan tâm tăng lương tối thiểu cần phải phù hợp với chi phí sinh hoạt; đồng thời cần khuyến khích trả lương theo hiệu suất công việc, áp dụng chỉ tiêu đánh giá hiệu suất rõ ràng để thưởng, để tăng thúc đẩy việc làm.

Yêu cầu thời gian tới cần tính đến việc giảm phụ thuộc vào phụ cấp; đảm bảo tăng quyền lợi của người lao động trong đơn vị Nhà nước, trong các doanh nghiệp sao cho hài hòa, hợp lý; đồng thời nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia.

Lưu ý về nguồn lực tài chính trong Báo cáo của Chính phủ về thực hiện cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, phải gắn cải cách tiền lương với cải cách tài chính công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Vì vậy, cần triển khai từng bước thí điểm ở một số ngành hoặc khu vực khi áp dụng rộng rãi.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ hoàn thiện báo cáo đầy đủ, toàn diện, phối hợp đề xuất một số một số nội dung nhiệm vụ có liên quan. Trước mắt, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương đánh giá lại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, trên cơ sở đó có những giải pháp căn cơ, chiến lược cho việc thực hiện chính sách tiền lương lâu dài.

Bộ Nội vụ cũng sẽ làm rõ thêm về số liệu sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của giai đoạn 1 đối với các bộ, ngành trung ương và cơ quan chuyên môn của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Bộ Nội vụ đang tham mưu để có thêm chính sách đối với đối tượng cán bộ không chuyên trách nghỉ theo tinh thần chỉ đạo chung của cấp có thẩm quyền.

Xem chi tiết nội dung Phiên họp thứ 44.