Kinh tế

Đắk Nông hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê

Nguyễn Văn Tâm 17/04/2025 20:44

Việc ngăn chặn lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Tây Nguyên và Đắk Nông đang được tổ chức Rainforest Alliance (RA) triển khai tới các nông hộ.

Chương trình “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam” do tổ chức Rainforest Alliance (RA) triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên.

Nguồn tài trợ chính của chương trình này do Cơ quan Doanh nghiệp Hà Lan (RVO), đồng tài trợ từ Tập đoàn Cà phê Koninklijke Douwe Egberts B.V. (JDE Hà Lan) và Luigi Lavazza S.p.A (Italia). Công ty Cổ phần TMT Consulting là đơn vị tư vấn thực hiện chương trình.

dsc_8249(1).jpg
Phần lớn hộ trồng cà phê ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (Đắk Nông) tự hoặc thuê nhân công để chăm sóc cà phê

Chương trình này được thực hiện từ tháng 4/2022 - 12/2024. Sau 3 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em, lao động trẻ em và hạn chế tình trạng lao động trẻ em diễn ra ở các địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc TMT Consulting, hiện nay, nhiều trẻ em ở vùng trồng cà phê vẫn còn tham gia những công việc không phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe.

Từ thực tế đó, công ty phối hợp với một số đơn vị liên quan thành lập các CLB “Sân chơi cho em”, góp phần giúp trẻ em và phụ huynh nâng cao kiến thức, hạn chế những công việc không phù hợp, giúp trẻ biết bảo vệ bản thân và có thời gian phát triển.

Mục tiêu của chương trình nhằm cải thiện sinh kế và cân bằng giới trong việc ra quyết định của nông hộ. Thời gian qua, TMT Consulting đã phối hợp với các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp, đối tác để thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em, lao động trẻ em.

TMT đã lồng ghép các chương trình để tổ chức các hoạt động giúp nâng cao nhận thức nhằm hạn chế sử dụng lao động trẻ em tại các nông hộ trồng cà phê ở các địa phương.

dsc_8239(1).jpg
Hoạt động sản xuất cà phê là công việc nặng nhọc, các tổ chức chứng nhận cà phê xem đây là tiêu chí để đánh giá mức độ cam kết trong chuỗi ngành hành cà phê

Chị H’Lan ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong cho biết: “Thỉnh thoảng những lúc nghỉ học, nghỉ hè, các cháu đang học phổ thông cũng phải vào rẫy phụ giúp cha mẹ làm những công việc phù hợp. Tôi vẫn biết như vậy là ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi của các con nhưng đối với trẻ em nông thôn, như vậy là việc bình thường”.

Chính vì vậy, chương trình hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tập trung triển khai các hoạt động tại các vùng nông thôn, nơi có diện tích cà phê lớn.

Thời gian qua, TMT Consulting đã triển khai các nội dung hoạt động đa dạng, phong phú từ hỗ trợ phát triển sinh kế tốt hơn thông qua tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê và các mô hình sinh kế cho nông hộ.

Đến nay, TMT đã tổ chức cho 1.900 nông dân tại các vùng dự án tham gia với các nội dung như: Thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện chất lượng giáo dục trẻ em thông qua chương trình phụ đạo, tạo sân chơi và khả năng hòa nhập xã hội cho trẻ qua câu lạc bộ do trẻ lãnh đạo và tăng cường cơ hội học nghề, hỗ trợ bộ dụng cụ phù hợp với ngành nghề được học cho thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần TMT Consulting cho biết: “Tại Đắk Nông, trong thời gian tới, chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng các tổ bảo vệ trẻ em ở cấp thôn, buôn nhằm xử lý các vấn đề về trẻ em có thể xảy ra tại địa phương, như trẻ em bỏ học, trẻ bị xâm hại, bạo hành...”.

dsc09881(2).jpg
Chương trình “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam” trao xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong vùng dự án

Ngoài các CLB này, TMT còn tổ chức nhiều hoạt động khác như: Hội thảo và tập huấn cho nông dân, đào tạo nghề cho thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số, tặng gà giống cho trẻ em để tập kinh doanh…

"Mục tiêu của chuỗi hoạt động là nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân và trẻ em, hạn chế việc sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê và nâng cao giá trị của cà phê đến với người tiêu dùng”, ông Tâm cho biết thêm.

Nguyễn Văn Tâm