Áp dụng mức thuế vào giá gói thầu thế nào?

Chính sách - Ngày đăng : 16:52, 17/04/2025

Đơn vị của ông Lê Xuân Bảo (TPHCM) đang thực hiện đấu thầu qua mạng gói thầu xây lắp sửa chữa, giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được tính thuế GTGT là 10%.

Tại thời điểm phê duyệt (ngày 12/6/2024) giá gói thầu nêu trên được tính thuế GTGT 10%, tuy nhiên theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế GTGT thì mức thuế là 8%.

Ông Bảo hỏi, giá gói thầu nêu trên tính thuế GTGT 10% tại thời điểm phê duyệt ngày 12/6/2024 có phù hợp không?

Trường hợp vẫn giữ nguyên giá gói thầu được duyệt với thuế GTGT 10% và tiến hành phát hành E-HSMT một giai đoạn một túi hồ sơ trong tháng 7/2024 dẫn đến việc xác định giá trị yêu cầu về nguồn lực tài chính cho gói thầu và kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự được nêu trong Bảng số 01 - webform trên hệ thống (Bảng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm) E-HSMT tăng thêm 2% so với quy định hiện hành (vì thuế GTGT là 8% theo Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội).

Như vậy, có bị hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra cạnh tranh không bình đẳng theo điểm c Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 không?

Trường hợp cập nhật lại dự toán gói thầu để đưa thuế GTGT từ 10% về 8% trước khi phát hành E-HSMT, cập nhật lại dự toán gói thầu theo quy định điểm c khoản 8 Điều 44 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP; khoản 1 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Sau đó, không cần điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt và đăng tải theo điểm b khoản 2 Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, thì việc cập nhật dự toán gói thầu có đúng không?

Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP thì giá gói thầu phải được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng), phí, lệ phí và thuế.

Vậy, tại thời điểm phê duyệt giá gói thầu quy định thuế GTGT 10% thì giá gói thầu áp dụng thuế GTGT 10%, còn nếu quy định thuế GTGT 8% thì áp dụng thuế GTGT 8% có đúng không? Việc áp dụng sai mức thuế GTGT khi xác định giá gói thầu thì có bị cho là nâng khống giá gói thầu không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) có ý kiến như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ, giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng), phí, lệ phí và thuế.

Đối với gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh, chi phí dự phòng bao gồm cả các khoản tạm tính (nếu có) và chỉ được sử dụng khi có phát sinh xảy ra.

Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện gói thầu ngắn, ít có khả năng phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa theo quy định của pháp luật (nếu có).

Trường hợp pháp luật có quy định hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế, miễn phí thì giá gói thầu không bao gồm các khoản thuế, phí được miễn. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.

Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì nêu rõ giá trị ước tính của từng phần.

Theo đó, việc lập giá gói thầu thực hiện theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư.

Chinhphu.vn