Giáo dục - Đào tạo

Ghi nhận sau gần 2 tháng Đắk Nông dạy 5 ngày/tuần

Nguyễn Hiền 17/04/2025 05:29

Thay vì học 6 ngày/tuần, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã triển khai áp dụng dạy học rút ngắn còn 5 ngày/tuần để giảm bớt áp lực cho học sinh.

Học sinh có thêm thời gian tự học

Chương trình thí điểm dạy học 5 ngày/tuần được triển khai theo tinh thần Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT với đối tượng áp dụng là các trường THCS, THPT và cơ sở giáo dục thường xuyên cấp THPT có đủ điều kiện.

Từ đầu học kỳ II, các trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chuyển từ lịch học 6 ngày/tuần xuống còn 5 ngày/tuần, đồng thời điều chỉnh số tiết học mỗi ngày để bảo đảm tiến độ chương trình mà vẫn không gây quá tải.

img_7376.jpg
Việc dạy học 5 ngày/tuần đã phần nào giảm bớt áp lực cho học sinh các khối lớp

Theo đó, học sinh các khối lớp được bố trí không quá 7 tiết/ngày, riêng lớp 9 và lớp 12 là những lớp cuối cấp nên có thể học tối đa 8 tiết/ngày. Thay vì mỗi tuần học 6 ngày, mỗi ngày 4 tiết như trước, hiện các em học 5 ngày/tuần, mỗi ngày 5 tiết. Nhờ vậy, học sinh có thêm 2 ngày cuối tuần để nghỉ ngơi, tự học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể thao, kỹ năng sống…

img_7960.jpg
Học sinh Trường tiểu học Thăng Long ở phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa thoải mái chơi cờ trong giờ ra chơi

Học sinh Lê Thị Huỳnh Phương, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil chia sẻ: “Lúc đầu em hơi bỡ ngỡ vì học nhiều tiết hơn trong một ngày. Bây giờ em có thêm thời gian để tự học ở nhà, đọc thêm sách ngoài chương trình và được nghỉ ngơi cuối tuần với người thân”.

Theo học sinh Lê Thị Ngọc Dung, Trường THPT Chu Văn An, TP. Gia Nghĩa: “Trước đây, hầu như em không có ngày nghỉ trọn vẹn. Lịch học kéo dài cả tuần làm em không có thời gian để thư giãn hoặc đi chơi cùng gia đình. Từ khi chuyển sang học 5 ngày/tuần, em thấy tinh thần thoải mái hơn, học tập cũng hiệu quả hơn”.

Đáng chú ý, các em học sinh cuối cấp như lớp 9 và lớp 12 đang chịu tác động trực tiếp nhiều nhất của chương trình nhưng đã và đang thích nghi khá tốt. Ngoài việc học chính khóa, các em còn chủ động sắp xếp lịch ôn tập, luyện đề, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi đánh giá năng lực.

Học sinh Phan Nhật Duy, Trường THPT Chu Văn An, TP. Gia Nghĩa chia sẻ: “Lịch học mới phù hợp với em và các bạn vì có thời gian rảnh để ôn tập kỹ hơn. Ngoài ra, em còn tranh thủ luyện thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức, học thêm các kỹ năng mềm và tập thể thao. Đây đều là những việc mà trước đây em không đủ thời gian để làm”.

Theo đánh giá, lợi ích lớn nhất của việc học 5 ngày/tuần là các em học sinh, phụ huynh và giáo viên thuận lợi trong việc sắp xếp các công việc gia đình trong 2 ngày cuối tuần và thời khóa biểu sẽ gần như cố định trong cả năm học.

Còn chị Nguyễn Thị Hiền, phường Nghĩa Đức, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm phấn khởi: "Được nghỉ thứ 7, chủ nhật con có thời gian nghỉ ngơi, cải thiện sức khỏe, nâng cao khả năng tự học, gắn kết với gia đình hay tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe".

img_8213.jpg
Việc giảm ngày học/tuần giúp học sinh thoải mái và có thời gian tăng cường tự học hơn (Ảnh: Học sinh Trường THCS - THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, huyện Đắk Mil trong giờ tự học)

Không chỉ có học sinh, giáo viên linh hoạt, chủ động trong việc thích nghi với mô hình mới. Cô giáo Nguyễn Thị Hải Thanh, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil cho rằng, việc dạy học 5 ngày/tuần tuy khiến giáo viên phải làm việc liên tục cả ngày nhưng chúng tôi đã điều chỉnh kế hoạch, phân bố thời gian hợp lý để bảo đảm hiệu quả giảng dạy. Học sinh có thời gian tự học nhiều hơn, tiếp cận bài vở tốt hơn, đó mới là điều quan trọng. "Được nghỉ ngày thứ bảy giúp giáo viên có thời gian tái tạo sức lao động, đầu tư chuẩn bị giáo án cho tuần tiếp theo cũng như dành thời gian chăm sóc gia đình, con cái.” cô giáo Thanh chia sẻ.

Phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục

Một trong những băn khoăn lớn khi triển khai mô hình dạy học 5 ngày/tuần là có gây xáo trộn chương trình, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hay không. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tại các trường trên địa bàn tỉnh đã chứng minh điều ngược lại. Các hoạt động dạy và học diễn ra suôn sẻ, bảo đảm đầy đủ nội dung chương trình, đồng thời mở rộng không gian cho học sinh phát triển năng lực cá nhân.

Trước khi thực hiện, các trường đã chủ động tổ chức họp hội đồng sư phạm, lấy ý kiến từ phụ huynh, học sinh, đoàn thể, đại diện địa phương để thống nhất kế hoạch triển khai. Nhờ đó, mô hình dạy học 5 ngày/tuần nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao từ toàn xã hội.

img_8101.jpg
Việc áp dụng dạy học 5 ngày/tuần mặc dù khó khăn hơn đối với giáo viên nhưng vì học sinh nên hầu hết giáo viên đều hưởng ứng, đồng tình (Ảnh: Giờ học của cô và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil)

Việc thực hiện mô hình 5 ngày/tuần góp phần thay đổi tư duy quản lý giáo dục ở cấp cơ sở. Các trường chủ động hơn trong việc sắp xếp thời khóa biểu, linh hoạt tổ chức dạy học theo năng lực đội ngũ; đồng thời, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Đắk Mil Hồ Thanh Hiền cho rằng: “Một số giáo viên phải dạy cả ngày, hoặc ở lại trường nếu nhà xa, nhưng tất cả đều xác định đây là việc cần làm vì học sinh và mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Trường linh hoạt trong bố trí lịch giảng dạy, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ chương trình”.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, Trần Sĩ Thành cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 370 cơ sở giáo dục, trong đó có 112 trường THCS và THPT đang triển khai dạy học 5 ngày/tuần. Sau gần 2 tháng triển khai đã nhận được những phản hồi tích cực từ học sinh, phụ huynh và giáo viên. Cụ thể, giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục được bảo đảm, không gây xáo trộn chương trình học. Giáo viên có điều kiện nghiên cứu chuyên môn, nâng cao hiệu quả giảng dạy. Các trường năng động, sáng tạo hơn trong tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục. Việc sắp xếp lại thời khóa biểu giảm áp lực học tập, mở rộng cơ hội phát triển toàn diện cho người học, từng bước đưa giáo dục tiến gần hơn với mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm.

img_8052.jpg
Việc dạy học 5 ngày/tuần là cách tổ chức lại thời gian học tập hợp lý hơn, khoa học hơn (Ảnh: Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo ở huyện Đắk Mil)

"Việc giảm số buổi học trong tuần không có nghĩa là giảm chất lượng giáo dục, mà đây là một cách tổ chức lại thời gian học tập hợp lý hơn, khoa học hơn. Qua đó, hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện, đúng định hướng đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục hiện nay", ông Thành khẳng định.

Mặc dù còn một số khó khăn bước đầu như: áp lực thời gian đối với giáo viên; điều phối lịch học và nghỉ nhưng với sự chỉ đạo sát sao của ngành Giáo dục, sự phối hợp từ địa phương, sự đồng thuận từ phụ huynh, sự nỗ lực từ các nhà trường, mô hình này hoàn toàn có cơ sở để nhân rộng trong thời gian tới nhằm giảm bớt áp lực học tập cho học sinh.

Nguyễn Hiền