Lễ cúng thần rừng của người Gia Rai

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 23:14, 16/04/2025

Cứ vào tháng 3 hằng năm, cộng đồng người Gia Rai ở làng O Grangvà De Chí, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai lại chuẩn bị đồ lễ vào rừng thực hiện nghi thức cúng thần rừng. Đây là phong tục mà người dân kế thừa của ông bà từ bao đời để lại.
Lễ cúng thần rừng của người Gia Rai. Lễ cúng thần rừng của người Gia Rai.

Lễ cúng rừng nhằm tạ ơn thần rừng đã bảo vệ, che chở, cung cấp nhiều sản vật cho dân làng; cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối quanh năm tươi tốt, bà con no đủ, an yên.

Lễ vật chính để dâng cúng thần rừng gồm một con heo quay, một con gà và một ghè rượu cùng một bộ gan gà và một miếng thịt heo sống. Dân làng còn mang theo một số sản vật truyền thống. Người chủ trì lễ cúng là già làng.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật cúng, già làng Siu Dơih đọc to, dõng dạc lời khấn mời thần rừng, thần nước, thần núi về chứng kiến. Lời khấn được các già làng truyền khẩu từ đời này qua đời khác và thường có nội dung cầu mong cho dân làng một năm nhiều may mắn, bình an, không bị đau ốm, bệnh tật... Tại buổi lễ, già làng cũng thay mặt dân làng tuyên lời thề với các vị thần linh sẽ gìn giữ và bảo vệ rừng thiêng liêng, cầu cho rừng luôn xanh tốt để che chở và đem lại nhiều sản vật cho buôn làng, giúp người dân sinh kế. Sau lời cúng, già Siu Dơih mời các vị thần thưởng thức lễ vật và già cũng là người đầu tiên vít cần rượu ghè uống, tiếp đến là những người uy tín và người dân trong làng.

Lễ cúng thần rừng được xem là một lễ lớn đối với đồng bào người Jrai tại xã Ia Pếch. Trong ngày lễ, tất cả mọi người từ người già, người trẻ, đàn ông, phụ nữ đều cùng tham gia, bày tỏ lòng thành kính đến với thần rừng. Già làng Siu Dơih cho biết: Hằng năm, tại xã Ia Pếch có 2 làng giáp rừng thay nhau làm lễ cúng.

Xã Ia Pếch hiện có hơn 559 harừng. Số diện tích này đều do cộng đồng 2 làng O Grang và De Chí nhận khoán quản lý và bảo vệ. Nhiều năm nay, bà con đã nhận thức được những lợi ích từ rừng như mang lại nguồn lâm sản dồi dào, tạo môi trường, không khí trong lành. Nhờ vậy, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng cũng thuận lợi hơn.

Từ một phong tục của người dân, những năm gần đây, chính quyền xã, huyện và lực lượng kiểm lâm đã hỗ trợ về vật chất nên lễ cúng rừng đã thành một hoạt động văn hóa tín ngưỡng, hấp dẫn người dân khắp các nơi đến tham gia. Sau nghi thức lễ cúng, dưới tán rừng già xanh tươi, bà con nắm tay nhau hòa vào từng nhịp múa Xoang uyển chuyển, trong tiếng chiêng rộn ràng, vang vọng giữa núi rừng.

ĐINH SỸ TẠO