Ngày Hội Khởi Nghiệp Và Kết Nối Doanh Nghiệp Tại Kon Tum

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 23:16, 16/04/2025

Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tổ chức ngày hội khởi nghiệp, việc làm và kết nối doanh nghiệp năm 2025 thu hút gần 300 học sinh, sinh viên, nhiều doanh nghiệp và 15 nhóm dự án của sinh viên, học sinh.
Các đại biểu tham quan các dự án, sản phẩm khởi nghiệp.
Các đại biểu tham quan các dự án, sản phẩm khởi nghiệp.

Tại ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động, như ra mắt không gian khởi nghiệp, chung kết cuộc thi “Ươm mầm khởi nghiệp” và trao giải cho các nhóm dự án xuất sắc; chương trình “Xây dựng hành trang số cho sinh viên trong thời đại AI”… Ngày hội nhằm cụ thể hóa mục tiêu đào tạo theo hướng ứng dụng, phát triển toàn diện kiến thức-kỹ năng-thái độ cho sinh viên, qua đó kết nối nhà trường với thị trường lao động; đồng thời, lan tỏa phong trào khởi nghiệp trên địa bàn Kon Tum.

Gia Lai Gỡ Khó Giải Ngân Vốn Đầu Tư Công

Tỉnh Gia Lai được giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển hơn 4.500 tỷ đồng, bao gồm định mức vốn năm 2025 và vốn chuyển từ năm 2024. Trong đó, ngân sách địa phương hơn 2.600 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 12 huyện, thị xã chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công được giao, khiến tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 10%, thấp so với yêu cầu đặt ra.

Trước thực tế này, tỉnh Gia Lai đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt. Tỉnh thành lập bốn tổ công tác đặc biệt do các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách, nhằm tập trung đôn đốc công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy định bồi thường và linh hoạt bố trí vốn, từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công.

Đắk Lắk Ký Biên Bản Hợp Tác Với Koica Việt Nam

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ký kết biên bản thảo luận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA Việt Nam) về Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thị xã Buôn Hồ. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2025-2029, với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc là 9,2 triệu USD. Chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm bố trí đủ khoản vốn không quá 760.000 USD, hiện vật và nhân lực cần thiết để hoàn thành các cam kết như mô tả cũng như để dự án vận hành tự chủ, bền vững.

Dự án được triển khai nhằm giảm tác động tiêu cực đối với sức khỏe của người dân, giảm ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường; thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn thị xã và đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững chung của tỉnh Đắk Lắk.

Bố Trí Hàng Chục Tỷ Đồng Sửa Quốc Lộ 28 Qua Đắk Nông

Từ nguồn kinh phí của Trung ương, Đắk Nông chi 20 tỷ đồng ưu tiên triển khai sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục thuộc Quốc lộ 28, đoạn qua xã Đăk Nia, thành phố Gia Nghĩa và đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Krông Nô. Việc sửa chữa, cải tạo được triển khai từ tháng 12/2024 và dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2025.

Năm 2025, Cục Đường bộ Việt Nam bố trí gần 27 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa hơn 5,5 km Quốc lộ 28 đoạn qua xã Đăk Nia, thành phố Gia Nghĩa và xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong. Tỉnh Đắk Nông bố trí gần 8,5 tỷ đồng từ nguồn bảo trì đường bộ để sửa chữa cục bộ một số đoạn, tuyến bị hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn giao thông. Dự kiến, việc sửa chữa hoàn thành trong năm 2025. Quốc lộ 28 đoạn qua Đắk Nông có chiều dài 175 km, đi qua các huyện Krông Nô, thành phố Gia Nghĩa và Đăk Glong trước khi kết nối với tỉnh Lâm Đồng.

Giá Trị Sản Xuất Nông Nghiệp Bình Quân Ở Lâm Đồng Đạt 372 Triệu Đồng/Ha/Năm

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thông tin, hiện tổng diện tích canh tác nông nghiệp tại địa phương hơn 337.900 ha, chiếm gần 92% tổng diện tích đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp; Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh hơn 72 nghìn ha; diện tích sản xuất có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha/năm giảm còn 17.200 ha, qua đó đã nâng cao giá trị sản xuất bình quân đạt 372 triệu đồng/ha/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2020.

Toàn tỉnh có 275 chuỗi liên kết sản xuất được hình thành, với sự tham gia của 210 doanh nghiệp và 112 hợp tác xã; tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi hơn 65% nông sản toàn tỉnh. Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu được chú trọng, với hơn 400 sản phẩm OCOP và 800 sản phẩm được sử dụng thương hiệu “Đà Lạt-Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, giúp nông sản Lâm Đồng khẳng định vị thế tại 50 quốc gia, giá trị xuất khẩu chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Ngày Hội Khởi Nghiệp Và Kết Nối Doanh Nghiệp Tại Kon Tum ảnh 1

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

PV