Đời sống

Nhọc nhằn nghề “se duyên” cho sầu riêng ở Đắk Nông

Thanh Hằng 16/04/2025 06:22

Sầu riêng thường nở hoa vào ban đêm, thời điểm khó thu hút côn trùng thụ phấn. Để tỷ lệ đậu trái cao, trái đều và đẹp, nông dân phải trực tiếp thụ phấn cho hoa, từ đó hình thành nghề "se duyên" cho sầu riêng.

Khoảng 3 năm trở lại đây, anh Nguyễn Đức Thái, thôn Nam Rạ, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) tất bật đi thụ phấn cho cây. Công việc chỉ kéo dài khoảng 2-4 tuần, bắt đầu từ trung tuần tháng 3, vào thời điểm hoa sầu riêng nở rộ nhất.

img_3414.jpg
Khoảng 19h mỗi đêm, anh Thái sẽ thực hiện thụ phấn cho hoa sầu riêng

Anh Thái cho biết, trước đây khi chưa trồng với diện tích lớn thì sầu riêng được thụ phấn thông qua các loại côn trùng. Sau khi trồng sầu riêng với diện tích lớn, gia đình anh sử dụng phương pháp thụ phấn cho cây để trái nhiều, đều và đẹp.

“Khoảng 19h là hoa sầu riêng bắt đầu nở rộ. Đây cũng là thời điểm nhiều loại côn trùng thụ phấn không hoạt động. Để tỷ lệ đậu trái cao, chúng tôi sử dụng chổi lông gà, chổi đót để quét qua các chùm hoa”, anh Thái chia sẻ kinh nghiệm.

Theo anh Thái, hoa sầu riêng xả nhị trong khoảng 2-4 tuần. Chính vì thế mỗi cây sầu riêng thường được thụ phấn trong nhiều ngày liên tục. “Công việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng vất vả, vì phải làm vào ban đêm. Người thợ phải ngửa cổ liên tục để nhìn lên cao, tay lúc nào cũng hoạt động nên rất mỏi”, anh Thái nói thêm.

img_3398.jpg
Người nông dân sẽ dùng chổi mềm, được buộc vào cán dài rồi nhẹ nhàng di chuyển, quét đều hạt phấn

Quá trình thụ phấn cho sầu riêng, người nông dân sẽ dùng chổi mềm, được buộc vào cán dài rồi nhẹ nhàng di chuyển, quét đều hạt phấn từ hoa này sang đầu nhụy của hoa khác.

Được khoảng 10 cây, người thợ sẽ đổi một cây chổi mới do cây chổi cũ đã thấm đẫm sương và mật từ nhụy hoa tiết ra. Cũng vì cách làm hoàn toàn thủ công, giúp cây đậu quả nên nhiều người gọi nghề thụ phấn hoa là "se duyên" cho sầu riêng.

img_3196.jpg
Nghề "se duyên" cho sầu riêng vất vả vì đòi hỏi người thợ phải ngửa cổ liên tục để nhìn lên cao

Chị Nguyễn Thị Bừng, thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp cho biết, đây cũng là công việc mới đối với nhiều nông dân tại Đắk Nông, khi sầu riêng được trồng tập trung, với diện tích lớn.

“Sầu riêng nở hoa ban đêm, khả năng tự thụ phấn hoặc thụ phấn nhờ côn trùng hạn chế nên hình thành nghề thụ phấn cho sầu riêng. Đối với những hộ trồng sầu riêng với diện tích lớn thì phải thuê thợ về thụ phấn giúp, với giá khoảng 400.000 đồng/tiếng”, chị Bừng cho hay.

img_3230.jpg
Chị Nguyễn Thị Bừng chuẩn bị dụng cụ để thực hiện quét phấn hoa sầu riêng

Với kinh nghiệm làm nghề thụ phấn hoa nhiều năm, anh Nguyễn Đức Trung (quê Đồng Nai) cho biết, đối với các tỉnh Tây Nguyên, hoa sầu riêng thường nở rộ vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4. Công việc chỉ kéo dài khoảng vài tuần lễ nhưng mang đến cho anh nguồn thu nhập tương đối lớn.

“Hàng năm tôi đều lên đây thụ phấn sầu riêng. Mỗi đợt chỉ lên làm cho 3-4 vườn nhưng thu nhập khá. Vì mình làm tỉ mỉ, cẩn thận nên chủ vườn tin tưởng, cứ đến dịp hoa nở rộ là gọi tôi lên làm”, anh Trung cho hay.

img_3191.jpg
Việc "se duyên" cho sầu riêng sẽ giúp trái ra đều, đẹp

Những năm qua, người trồng sầu riêng đã áp dụng các quy trình canh tác khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 10.000ha trồng sầu riêng, sản lượng ước trên 41.000 tấn. Hiện tỉnh Đắk Nông cũng có gần 40 mã vùng trồng sầu riêng, với 10 mã cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch đến các thị trường lớn.

Thanh Hằng