Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc – điểm tựa Việt Nam
Đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong đường lối chiến lược của Đảng, là nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế chính là một trong những điểm tựa vững chắc góp phần đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng của Người được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, quan điểm đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng, đưa lên nhiệm vụ hàng đầu. Ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể Nhân dân và các tổ chức Mặt trận dân tộc trong cả nước (Các tổ chức Mặt trận là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam). Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận cả nước được tổ chức trọng thể tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977, quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển lớn mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước, mở ra một thời kỳ hoạt động mới của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng.
Tại Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, có nhiều quan điểm, chủ trương đổi mới đề cập trực tiếp đến vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước, trong đó nhấn mạnh: Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Tại Đại hội IX, Đảng nhấn mạnh: Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân ... Đại hội X chỉ rõ, nhiệm vụ phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đưa vấn đề phát huy sức mạnh toàn dân tộc là một trong bốn thành tố của chủ đề Đại hội, coi đó là “nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tiếp tục khẳng định quan điểm của các nhiệm kỳ đại hội trước, Đại hội XI đã nêu: Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân…”. Đại hội XII nhấn mạnh yêu cầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay là phải “tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung một số nội dung, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải đẩy mạnh, phát huy cao độ truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Ngày 24/11/2023, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW (sau đây gọi là Nghị quyết 43) về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết 43 xác định rõ quan điểm: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới.
Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.
Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển.
Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ đó, Nghị quyết 43 đề ra 7 nhóm giải pháp sau: Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hai là, hoàn thiện chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Ba là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; tăng cường đoàn kết trong Đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bốn là, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Năm là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiềm năng và sức sáng tạo của Nhân dân. Sáu là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước. Bảy là, tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả. Đổi mới việc tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở để đông đảo người dân tham gia, thực sự là chủ thể trong lao động sản xuất, sáng tạo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với chính quyền đề xuất, triển khai, duy trì các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào tự quản của Nhân dân, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, đẩy mạnh học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho mọi người dân.
Đất nước ta sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện quan trọng, tiên quyết góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”.
Văn nghệ sĩ với tư cách là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng, với tài năng và tâm huyết của mình, cần phải ra sức bảo vệ, gìn giữ và phát huy tinh thần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã sử dụng văn chương nghệ thuật như là vũ khí tinh thần tạo nên sức mạnh vũ bão cho các đoàn quân. “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn năm xưa đã hiệu triệu được toàn quân đồng sức, chung lòng quyết tâm đánh giặc, bảo vệ bờ cõi quốc gia. “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt cũng có sức công phá ghê gớm, được ví như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền, bảo vệ biên giới lãnh thổ bằng chính những vần thơ bất hủ. Lý Thường Kiệt đã “thổi” vào đó sức mạnh đoàn kết, khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn quân và dân ta, làm khiếp đảm tinh thần quân địch. Điều này đã chứng tỏ: Một áng văn chính luận đanh thép, chỉ có vài trang giấy nhưng đã có sức lay động, cổ vũ, khích lệ toàn quân, khiến cho muôn người như một, quyết tâm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù. Những chiến thắng vang dội sau đó chính là minh chứng cho sức mạnh hơn cả triệu gươm đao của bài hịch…Trong công cuộc đổi mới đất nước, trước những yêu cầu ngày càng cao của thời đại, văn học, nghệ thuật vẫn tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt, tiên phong của mình, xứng đáng là ngọn đuốc nhân văn, dẫn lối, “soi đường cho quốc dân đi”. Với môi trường sáng tạo mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển, hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm thực sự đã trở thành tiếng gọi tinh thần, cổ vũ bao thế hệ người Việt Nam lao động, cống hiến dựng xây đất nước và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Để phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, văn nghệ sĩ cần phải làm gì? Trước hết, văn nghệ sĩ phải đoàn kết với nhau với tư cách là một người sáng tạo nghệ thuật, đoàn kết thông qua việc ứng xử với xã hội với đồng nghiệp. Cùng nhau xây dựng một môi trường sáng tạo, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển.
Thứ hai, văn nghệ sĩ cần nâng cao trách nhiệm đối với xã hội. Văn nghệ sĩ là những người có khả năng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, chạm đến trái tim con người, từ đó truyền tải những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó góp phần củng cố tình đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp Nhân dân. Thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật nhằm góp phần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ ba, trong quá trình sáng tác, văn nghệ sĩ cần gắn bó mật thiết với đời sống, từ đó tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phản ánh những vấn đề xã hội, những khát vọng của con người, góp phần bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người, đồng hành, cổ vũ, động viên nhân dân lao động, sáng tạo, hướng tới chân - thiện - mỹ, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Đây cũng chính là mục tiêu, là khát vọng cao nhất mà đất nước luôn hướng tới.
Thứ tư, cần đổi mới không ngừng trên hành trình sáng tạo, luôn học hỏi, tìm tòi những hình thức thể hiện mới để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng. Tác phẩm phải hướng tới tác động tích cực để thay đổi, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.