Chuyển đổi số hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn
Chuyển đổi số (tiếng Anh: Digital transformation, viết tắt là DT) là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kĩ thuật để giải quyết vấn đề. (Theo Wikipedia - bách khoa toàn thư trực tuyến mở). Quá trình chuyển đổi số ở các nước trên thế giới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền.
Ngày 10/10 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022. Đây là ngày để đánh giá, nhìn nhận và đẩy nhanh các hành động với tầm nhìn 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Từ khi thực hiện Chuyển đổi số thì năm 2022, tỉnh Đắk Nông cơ bản đã hình thành chính quyền số với việc khai trương Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh vào tháng 11/2022. Việc đưa Trung tâm vào hoạt động giúp cho các thông tin được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, kịp thời, nhanh chóng, không bị gián đoạn. Kiên định mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong chuyển đổi số.
Các dịch vụ công liên quan đến người dân và doanh nghiệp trên môi trường điện tử đã được triển khai và thực hiện đồng bộ đạt nhiều kết quả khả quan. Trên môi trường điện tử người dân, doanh nghiệp, chính quyền cùng tương tác. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đáp ứng được mong đợi, nhu cầu thiết thực của người dân, tiết kiệm được thời gian, công sức, kinh phí của người dân, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tính đến tháng 11/2023 thì 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện 21/25 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an, cụ thể: Đối với 11 thủ tục hành chính thiết yếu do cơ quan công an thực hiện thì đã triển khai thực hiện 11/11 thủ tục hành chính thiết yếu. Đối với 14 thủ tục hành chính thiết yếu do Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, nghành thực hiện. Đã triển khai thực hiện được 10/14 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, gồm: Đăng kí khai sinh; đăng kí khai tử; đăng kí kết hôn; liên thông đăng kí khai sinh, đăng kí thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng kí khai tử, xóa đăng kí thường trú, trợ cấp mai táng phí; cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe; cấp phiếu lí lịch tư pháp; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; đăng kí biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ thân nhân, địa chỉ); đăng kí thuế lần đầu, đăng kí đổi thông tin đăng kí thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân.

Lãnh đạo tỉnh xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được thực hiện đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Chuyển đổi số thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai thanh toán điện tử (thanh toán không dùng tiền mặt) cho tối thiểu 03 trong 04 phương thức sau: Mã vuông QR (chuyển khoản/thanh toán), qua website (chuyển khoản/thanh toán), Mobile Money và thẻ (POS), tích hợp sẵn sàng module thanh toán. Thanh toán số được người dân, doanh nghiệp, các tổ chưc tín dụng, công chức viên chức, người lao động hưởng ứng thực hiện. Đã thí điểm triển khai thực hiện “tuyến đường “điểm” thanh toán không dùng tiền mặt” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Khi chưa thực hiện chuyển đổi số việc thanh toán chủ yếu là dùng tiền mặt, từ người mua, bán, doanh nghiệp, người dân, việc gửi tiền... nhưng hiện nay thanh toán điện tử đang dần thay thế tiền mặt trong các giao dịch làm cho việc thanh toán, trao đổi được giải quyết dễ dàng, nhanh gọn. Chuyển đổi số đang từng ngày làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn, kéo gần khoảng cách thành thị, nông thôn, miền núi và hải đảo lại với nhau. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội số văn minh.
Tỉnh đã xây dựng sàn thương mại điện tử để giúp các doanh nghiệp, người dân giới thiệu, quảng bá, bán các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh. Đặc biệt là đưa các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP... lên 02 sàn thương mại Voso.vn và Postmart.vn. Đến nay, đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.161 sản phẩm. Trong đó có 47/60 sản phẩm OCOP và 1.114 sản phẩm nông nghiệp khác, tổng số giao dịch 27.528 lượt, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 65,8%. Số hộ sản xuất kinh doanh được đào tạo kỹ năng số là 135.711 hộ, đạt tỷ lệ 80,2%. Mục tiêu cơ bản là phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 10% GRDP, tỷ trọng kinh tế số từng ngành, lĩnh vực đạt 10%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%, tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 2%. Việc bán hàng và mua hàng thông qua hình thức trực tuyến đã và đang được nhiều doanh nghiệp, cá nhân sử dụng. Mà người dân không cần phải chờ đến các phiên chợ hay phải lên phố, tới các tỉnh lân cận tìm kiếm khắp các cửa hàng, shop, doanh nghiệp... để giao dịch mua bán, mua những thứ mình cần và bán các sản phẩm sẵn có. Chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại thông minh thì những món hàng trên các sàn thương mại trong nước và quốc tế sẽ được chuyển phát nhanh chóng đến tận tay người dùng.
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định. Tỉnh đã triển khai thử nghiệm mạng di động 5G tại 04 điểm trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa: Sở Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thống kê, chùa pháp Hoa. Tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng định danh số đạt 72,5%. Đến nay, 585/624 thôn, bon, buôn, tổ dân phố được kết nối băng rộng cố định, đạt tỷ lệ 93,8%. Số thuê bao băng rộng cáp quang là hộ gia đình 103.184; tỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cố định chiếm 59,52%; số thuê bao băng rộng cố định/100 dân chiếm 15,84%; số thuê bao BRDĐ/100 dân chiếm 84,88%. Số thuê bao di động sử dụng dịch vụ Mobile money khoảng 45.000 thuê bao, tăng 2 lần so với năm 2021.
Trong chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt ngày 2/2/2024. Xác định “Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số... đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia an toàn”. Nhà nước tạo lập và định hướng, mở và chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp khai thác sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình chuyển đổi sẽ chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật. Chia sẻ khó khăn, tạo động lực để những người khó khăn, người yếu thế trong xã hội có thêm niềm tin để hòa nhập cộng đồng cùng sống và lao động. Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội hướng tới xã hội nhân văn, nghĩa tình, nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả tầng lớp Nhân dân.