Về nơi núi gọi tên mình
Khi trở về Xứ Lạng và viết những dòng này, tôi nhắm mắt lại nhớ từng khoảnh khắc trong chuyến đi, từng khung cảnh chúng tôi đã đi qua, những ngọn núi, những triền đồi, những hang động, những dòng sông, thác tung bọt trắng xóa, những con đường đất đỏ bazan trong cái nắng gió cao nguyên… trong lòng trào dâng xúc động. Không phải vì chúng tôi đã cùng nhau khám phá trọn vẹn một miền đất mà trước đó mới chỉ nghe tên, mà còn bởi chúng tôi đã chạm vào được phần nào vẻ đẹp kỳ vĩ, phóng khoáng, cảm nhận được nhịp đập, hơi thở của con người và núi rừng Đắk Nông.
Rời Xứ Lạng từ tờ mờ sáng, sau chặng bay gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi có mặt ở sân bay Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Từ đây về thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông còn hơn một trăm kilomet song tất cả dường như quên hết mỏi mệt, sẵn sàng cho hành trình khám phá, trải nghiệm trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông năm 2024” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức.
Đắk Nông mảnh đất giao hòa vẻ đẹp thiên nhiên và con người, vừa có những nét hoang sơ đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, vừa có nét thơ mộng, tươi đẹp của riêng mình. Nơi đây không chỉ là vùng đất cổ, là “cái nôi” của phong trào chống thực dân Pháp trên vùng đất Tây Nguyên anh hùng mà còn là mảnh đất của những sáng tạo, giàu khát vọng vươn lên trong công cuộc đổi mới và xây dựng Tổ quốc hôm nay. Có lẽ đối với mỗi người dân Đắk Nông niềm tự hào dường như được nhân lên gấp bội khi Công viên địa chất Đắk Nông thành công vượt qua kỳ tái thẩm định lần thứ nhất năm 2023 và chính thức được công nhận lại danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” cho giai đoạn phát triển mới 2024 - 2027. Đây không chỉ là sự công nhận những nỗ lực và ý chí, quyết tâm của Chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Nông trong công tác bảo tồn và phát huy tổng thể giá trị các loại hình di sản mà còn mở ra cơ hội thu hút các nguồn vốn xã hội hóa trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Phát huy các thế mạnh về văn hóa bản địa và khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, Ðắk Nông đang tiến những bước mạnh mẽ trên hành trình xây dựng trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn liền với khai thác hiệu quả các thế mạnh riêng có.

Trong những ngày ở mảnh đất này, chúng tôi có hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với lịch trình sắp xếp kín kẽ, khoa học và linh động. Có lẽ ấn tượng nhất phải kể đến là Bảo tàng Âm thanh - Explora of the Sounds được coi là nơi bản hòa âm thiên nhiên đồng vọng. Bảo tàng Âm thanh nằm ngay tại tiền sảnh của Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Nông, được xây dựng khá hiện đại với tổng diện tích 200m2, với thiết kế bảy phòng với bảy mảng âm thanh riêng biệt, khép kín gồm: âm thanh của đá, âm thanh của gió, âm thanh của nước, âm thanh của gỗ, âm thanh của lửa, âm thanh của ánh sáng và âm thanh của con người được lấy cảm hứng từ ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ với sự tương quan lẫn nhau… Nơi đây sử dụng công nghệ hiện đại cùng với các loại nhạc cụ của dân tộc thiểu số: đàn đá, cồng chiêng… để tạo ra những trải nghiệm cho du khách ghé thăm. Không ngờ ta có thể nghe thấy âm thanh nhạc điệu của từng viên đá, khúc gỗ tưởng chừng vô tri vô giác, tiếng của gió, của nước, của lửa, ánh sáng, đặc biệt nhất là âm thanh và sự kết nối màu sắc năng lượng của riêng mình. Lắng trong âm thanh của tự nhiên dường như trong chúng tôi còn vang vọng giai điệu của một Tây Nguyên hùng vĩ, kỳ bí, đầy xúc cảm.
Từ thành phố Gia Nghĩa đi dọc theo quốc lộ 28 khoảng hơn năm mươi ki lô mét chúng tôi có mặt ở Tà Đùng (Đắk Glong). Con đường uốn lượn với nhiều đoạn xẻ núi, ôm cua cùng những cảnh đẹp xanh mướt hai bên đường. Trong tiết trời mát dịu, hồ Tà Đùng hiện lên thật đẹp và ấn tượng, giữa mênh mông biển nước là thế, lại nhô lên những quả đồi sừng sững tự như hòn đảo ngọc được kiến tạo từ đất đỏ bazan, ánh lên giữa mặt hồ như một tấm gương khổng lồ. Vẻ đẹp yên bình giữa thiên nhiên khoáng đạt và không kém phần độc đáo của hơn bốn mươi cồn đảo với nhiều hình thù khác nhau nhấp nhô mềm mại giữa mặt hồ, Tà Đùng được ví von như “Vịnh Hạ Long” giữa Tây Nguyên. Hồ Tà Đùng gắn liền với đập thủy điện với diện tích rộng lên đến năm ngàn héc-ta mặt nước, kéo dài đến tận tỉnh Lâm Đồng. Đây là một trong những hồ chính thuộc hệ thống thủy điện của xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong nên còn có tên gọi khác là hồ thủy điện Đồng Nai 3. Sau khi được ngăn dòng, hồ thủy điện này trở nên rất rộng lớn và trở thành kiệt tác nghệ thuật độc đáo, là sự kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên và bàn tay kiến tạo của con người. Tôi được biết, đối với việc tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2024 - 2027, chủ trương của tỉnh là phát triển tập trung về khu vực Tà Ðùng - nơi có hồ Tà Ðùng và hệ thống di sản, cảnh quan thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Ðắk Nông, liên kết theo hai tuyến quốc lộ tạo thành chuỗi kết nối du lịch từ vùng Ðông Nam Bộ - Ðắk Nông - Tây Nguyên; vùng Duyên hải miền Trung - Lâm Ðồng - Ðắk Nông - Tây Nguyên; thu hút đầu tư các dự án khu, điểm du lịch tiềm năng, phát triển khu du lịch hồ Tà Ðùng từng bước trở thành khu du lịch cấp quốc gia…

Trời Đắk Nông xanh, gió lồng lộng thổi, rời Đắk Glong, chúng tôi xuôi về huyện Krông Nô. Đi tới đâu cũng nghe danh tiếng lên Krông Nô thì phải tới Bon Ja Rá, Buôn Choah, Nam Xuân, Nam Đà… để chiêm ngưỡng hang động núi lửa, thác Dray Sáp, chiêm ngưỡng cái chất quê hương vùng dân tộc thiểu số ở làng dệt thổ cẩm, được làm quen với những con người Đắk Nông mang đậm nét văn hóa cồng chiêng với những ngôi nhà sàn khác hẳn với dân tộc miền núi phía Bắc…
Đắk Nông có những thứ vô tri lại biết níu chân khách lạ, ấy là đất đỏ và đá. Ở Krông Nô, từ chân lên đến đỉnh đồi, đâu đâu cũng một màu đen của đá, hàng triệu viên nham thạch xếp dày lớp lớp trên mặt đất. Chúng tôi vượt qua con đường bazan đầy chông gai, đi trên đá lô nhô sắc cạnh, vượt qua đá, đua với đá để được tận mắt khám phá, ngắm nhìn những kỳ tích của tạo hóa và thiên nhiên nơi đây. Đó là những hang động giấu kín trong lòng đất, bên trong là một thế giới thực vật phong phú, phát triển mạnh mẽ. Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô là điểm nhấn trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Dài và độc đáo bậc nhất Đông Nam Á, nằm ẩn mình trong rừng sâu hoang sơ, quần thể hang động này nối liền với những ngọn thác đẹp hùng vĩ trên dòng sông Sêrêpôk.
Quê hương ai cũng có một dòng sông nhưng dòng sông là đôi tình lữ, thì chỉ có ở Tây Nguyên. Đó chính là sông Cha và sông Mẹ. Sông Cha - Krông Nô, sông Mẹ - Krông Ana chảy xuyên qua những vùng đá cháy từ núi lửa. Cả hai hợp dòng rồi tiếp tục đuổi hướng mặt trời, tạo nên biết bao sản vật phong phú, tỏa rạng những sắc màu văn hóa và đang tiếp tục được xây dựng để trở thành một mạch nguồn của kinh tế. Chảy xuyên qua không gian và thời gian, Krông Ana, Krông Nô, Sêrêpôk đã nuôi dưỡng và tạo nên một nền văn hóa không trùng lặp với bất kỳ đâu; tạo nên một vùng địa chất, thổ nhưỡng đặc biệt, dung dưỡng những vùng hồ tiêu, cà phê màu mỡ cùng biết bao bí ẩn đang chờ được khám phá. Cánh đồng rộng hàng nghìn héc-ta ở xã Buôn Choah, huyện Krông Nô là một “cánh đồng lửa” đã tắt dưới chân núi Chư Bluk, bên dòng sông Krông Nô, giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông. Theo tính toán của các nhà khoa học, cách đây ba trăm bảy mươi nghìn năm, núi lửa Chư Bluk đã phun trào dữ dội. Mênh mông bọt đá ở khu vực này cho thấy đây từng là một cánh đồng dung nham sôi sục, rộng hàng ngàn héc-ta. Và với nông dân, điều bí ẩn là trên cánh đồng chỉ là đá và đá, không một nắm đất, vậy mà những vạt ngô, rẫy đậu ở đây vẫn lên xanh, cho những vụ mùa bội thu. Thậm chí những đợt khô hạn làm nhiều đồng đất Tây Nguyên trở nên khô khát, nhưng vùng đá cháy Chư Bluk vẫn dung dưỡng được cây trồng đến ngày thu hoạch. Để đạt được thành quả hôm nay, người dân Krông Nô đã ăn ngủ cùng đá, lấy sức người dời đá để gieo hạt mầm. Có những phiến đá lớn phải đục bể tạo những khe hở để nhét từng hạt giống... rồi chờ mưa xuống cho những mầm xanh nảy chồi, đơm hoa. Đi đến nơi, tận mắt nhìn và cảm nhận thấy yêu và thương Krông Nô nhiều đến thế! Tôi gặp ở Krông Nô những người từ nơi khác đến đây sinh sống, họ yêu Đắk Nông một cách tuyệt đối. Họ sống phóng khoáng và rộng mở. Ở họ có một chút gì như cà phê, không thơm lừng hương liệu nhưng trầm dịu, ngấm sâu và để lại dư vị đậm đà khó quên.

Tôi nhớ khoảnh khắc ngồi trên một mỏm đá nghìn năm ở thác Dray Sáp (thác Khói) nhìn chăm chú vào những tia nước bắn lên bất tận, để cho âm thanh thuần khiết và vang vọng của nó gột đi toàn bộ những trăn trở bon chen, những u uất muộn phiền. Trên cao nữa là trời Tây Nguyên xanh ngắt không một gợn mây. Còn sau lưng là gió cuộn xuống ngàn tán lá xạc xào. Chưa muốn rời đi, nhưng vẫn phải tiếp tục lên đường. Bỏ lại sau lưng tiếng ì ầm của ngọn thác Dray Sáp để đi ra cửa khu du lịch, tôi nghe như dòng Sêrêpôk thở dài. Đến đã vội, mà đi càng vội, đã gọi gì là biết đủ về nhau?
Đêm cuối chia tay Đắk Nông, chếnh choáng trong hơi men rượu say và những cái nắm tay thật chặt, tôi xem lại những tấm ảnh, những video, những cung đường trải nghiệm thực tế ở nơi đây. Đắk Nông đang trên một hành trình mới, bàn chân bám chặt vào cội nguồn văn hóa, đôi tay vươn cao chạm tới bầu trời khát vọng, mái tóc xanh ngời sức trẻ bay trong ngọn gió lồng lộng thổi tới tương lai. Hoàng hôn của những tháng ngày cũ đã qua đi, bình minh của khát khao, hy vọng, đổi thay và tươi sáng được tiếp nối từ câu chuyện của già làng, trong những điệu chiêng, trong lễ hội của người M’nông, Ê đê sẽ vang vọng mãi, như than đỏ âm ỉ không bao giờ tắt bên bếp lửa nhà dài, như tình người Đắk Nông mãi còn bao dung và hồn hậu… Xin gửi chút nhớ phương xa về nơi núi gọi tên mình!