An sinh - Cuộc sống

Về phố hoa vàng

Bùi Nhị Đông Khuê 01/01/2025 13:55

Vì sao bạn lại về Gia Nghĩa, chọn nơi đây để lập nghiệp là câu hỏi quen thuộc của bạn bè mỗi khi gặp nhau, ôn lại câu chuyện của hai mươi năm trước. Khi gia đình tôi và nhiều gia đình trẻ khác đã chọn và gắn bó với Đắk Nông gần hai mươi năm qua, mối lương duyên gắn bó với Gia Nghĩa, với Đắk Nông, được sống, làm việc và trưởng thành ở Đắk Nông là câu chuyện dài. Câu chuyện gắn bó với Gia Nghĩa gần hai mươi năm qua cứ như một giấc mơ với bản thân và cái ngày một mình vác ba lô đến thị trấn Gia Nghĩa nhỏ bé, với bao đèo dốc mãi mãi là kí ức không bao giờ quên.

phố hoa vàng
Một góc bình yên phố thị hoa vàng. Ảnh minh họa

Ước mơ thời nhỏ

Những năm 2000 - 2001, ước mơ được bước vào cổng trường đại học luôn luôn thường trực, bởi từ khi ngồi trên ghế nhà trường, từ cấp học tiểu học, cô giáo đã luôn luôn nói rằng: Các con cố lên, phải luôn coi trọng việc học để cố gắng bước vào giảng đường đại học; ngày đó ước mơ làm thầy cô giáo, nhìn những thầy cô hàng ngày mình tiếp xúc, với kiến thức mênh mông, phương pháp nhẹ nhàng, khoa học của các thầy, cô dường như ăn sâu vào máu. Chúng tôi ngày ấy, ngoài giờ lên lớp 1 buổi, ở nhà phụ ba mẹ việc đồng áng, còn lại là thời gian học vào buổi tối. Hồi ấy không có điện thoại, không có ti vi. Thế nên niềm vui của chúng tôi là đọc sách và học. Cứ thế, ai cũng chăm chỉ học và ước mơ vào đại học dường như là con đường duy nhất của thế hệ học sinh lúc bấy giờ. Con đường ấy với tôi bị chặn lại sau khi có kết quả của kỳ thi đại học, người trong gia đình có ba là người buồn nhất, bởi ba ngày xưa ở mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng đã từng tốt nghiệp tú tài ở ngôi trường nổi tiếng Trần Cao Vân, nên với con cái, ông luôn nuôi một hy vọng: Phải chăm chỉ học thật giỏi, và thước đo lúc bấy giờ chính là được bước chân vào cổng trường đại học.

Chuyến đi xa đầu đời

Những ngày chông chênh không dễ qua đi, ngày ngày tôi phụ mẹ bán hàng ở chợ, chợ chỉ đông buổi sáng, chiều nghỉ tôi lại xuống vườn quanh quẩn vẩn vơ như đàn gà con đi tìm thóc ở đám lúa đã gặt sạch sẽ. Trong bữa cơm, ba vẫn nhắc vu vơ, rảnh rỗi thì ôn lại bài vở, năm sau thi tiếp, trong thâm tâm của ông lúc bấy giờ, chỉ mong con cái bước vào đại học mới vượt qua được cuộc sống khó khăn như ba mẹ ở mảnh đất khô cằn này. Cuộc sống không ai nói trước được điều gì bởi vì đôi khi thứ mong muốn, cố gắng để đạt được thì không thành hiện thực. Cuộc sống bắt đầu ổn định với tôi khi có một tiệm may nho nhỏ cạnh nhà, thu nhập tạm ổn, vừa ở gần có thể giúp đỡ ba mẹ, vừa tự lo cho bản thân thì ngã rẽ đến.

Chiều cuối tuần cô hàng xóm về thăm nhà bảo xuống Đắk Nông làm với cô chú đi. Nghe lời cô hàng xóm, tôi xách ba lô lên đường và đến thị trấn Gia Nghĩa công tác. Đắk Nông ngày mới tách tỉnh như xa xôi lắm, dù chúng tôi là anh em một nhà từ Đắk Lắk nhưng dường như mọi giao thương đều tiến về mạn Bắc, nên khi đi về với phương Nam, mọi thứ như xa thẳm, quãng đường 130 kilômet của lần đầu tiên đặt chân đến, luôn luôn là chông chênh và dài nhất. Nỗi lo lắng theo tôi suốt hơn nửa ngày đường khi bắt xe từ huyện ra Cư Jút, rồi từ Cư Jút bắt xe khách về Gia Nghĩa: Không biết cô hàng xóm sẽ xin cho tôi làm gì sau khi xuống đấy và với tấm bằng tốt nghiệp, liệu có gì để tôi làm cho phù hợp… con đường Krông Nô đến Cư Jút, qua Đắk Mil, Đắk Song dài vô tận, qua làn kính xe, những hàng thông chi chít, sương mờ, con đường cong, cua lại càng như xa hơn, thăm thẳm hơn. Ngày ấy thông còn nhiều lắm, chỉ cần mở cửa kính xe có thể lắng nghe được tiếng thông reo và cảm nhận được hơi lạnh mát từ hàng thông phả ra. Qua đoạn Đắk Song, cái cảm giác không khác nào đang đi trên con đường ngút ngàn thông của Đà Lạt.

Về phố hoa vàng
Về phố hoa vàng

Duyên nợ với vùng đất mới

Công việc ở cơ quan hiện tại tôi đang làm bắt đầu từ đó, từ những việc nhỏ nhất của những năm đầu sau khi tách tỉnh: Cấp dưỡng cho bếp ăn tập thể khi ấy đa số cán bộ cơ quan đều được điều động từ Đắk Lắk hoặc các huyện về, làm công việc dọn dẹp cơ quan, nhân viên vi tính, sau này dần dần đảm nhận các công việc khác khi đồng nghiệp nghỉ thai sản như văn thư, thủ quỹ, kế toán…, theo quá trình vừa làm, vừa học tôi đã hoàn thiện được chương trình đào tạo cơ bản để công tác tại cơ quan. Hoàn thiện tấm bằng ấy có lẽ ba là người hạnh phúc nhất, ba vẫn nói với thầy cô giáo cũ, hàng xóm gia đình rằng: Mong ước lớn nhất của ông là con cái được học hành đến nơi đến chốn, dù muộn nhưng cũng đã thấy ấm lòng.

Con đường gần 20 năm gắn bó với Gia Nghĩa, với mảnh đất Đắk Nông không là con đường thẳng với tôi và nhiều bạn bè đồng trang lứa khác, nhiều chông gai và tưởng sẽ dừng lại, xách ba lô về lại với ba mẹ, về với huyện xa xôi nhất Đắk Nông, về lại với tiệm may vá ngày xưa… Cái khó lớn nhất là vượt qua chính mình, bởi những ngày đầu đến với Gia Nghĩa, là chuyến đi xa đầu tiên, không một người thân bên cạnh. Cả ngày tất bật với công việc, học hành vơi đi, nhưng đến tối, nỗi nhớ nhà mới bắt đầu, những trang nhật ký bắt đầu ướt nhòe. Thỉnh thoảng cuối tuần không vướng việc học, tôi theo cô hàng xóm về thăm nhà, đến chiều chủ nhật tới giờ bắt xe đi, chân như trĩu nặng. Công việc, con đường học hành gập ghềnh, từng bước từng bước như leo bậc thang đã khiến tôi nản chí, muốn bỏ cuộc. Sau này, khi lập gia đình cũng với một người xa lạ, từ Đắk Lắk xuống, nhà cửa không có, người thân không, những túng bấn của kinh tế đã nhiều lần làm lung lay chúng tôi. Bàn nào hay đi Đồng Nai, Sài Gòn, Bình Dương làm với ảo vọng bớt nghèo, bớt khổ, nhưng bàn đến đoạn ai đi trước đi sau chứ không thể cùng nhau nghỉ việc thì dừng lại, đắn đo mãi cũng mất thời gian dài và quyết định đi tiếp.

Bao năm ở trọ, với đồng lương viên chức thấp của hai vợ chồng, nhiều bạn bè cùng trang lứa với chúng tôi đã bỏ cuộc. Người về lại với gia đình, người bỏ nhà nước ra kinh doanh, người đi về thành phố lớn… chúng tôi không người thân ở phố thị nhỏ bé, bạn bè lại càng ít dần khi mỗi năm lại có bạn mở tiệc chia tay. Mừng cho bạn, nhưng cũng lo cho Gia Nghĩa, Đắk Nông, bớt đi một gia đình trẻ chung tay xây dựng mảnh đất còn nhiều khó khăn. Cũng vì lí do ấy, và những chuyến công tác đến các huyện sau này, đã làm tăng thêm niềm tin, sức mạnh để gia đình tôi và nhiều bạn khác ở lại Gia Nghĩa, gắn bó lâu dài và không còn màng gì đến chuyện mình sẽ đến một nơi nào khác sinh sống, làm việc tốt hơn.

Theo nhau về phố hoa vàng

Đó là lựa chọn của tôi và nhiều bạn khác lúc bấy giờ; cuộc sống của gia đình tôi hiện tại, khi duyên nợ đưa tôi đến với Gia Nghĩa – đến với Đắk Nông, thêm một người xa lạ nữa, cùng đến mảnh đất này, kết duyên về cùng một nhà, cùng gắn bó với mảnh đất cao nguyên đến hôm nay. Niềm vui, duyên nợ lớn nhất để tôi có thể gắng với mảnh đất này, yêu công việc này và công tác suốt gần hai mươi năm qua có lẽ là mối lương duyên với viết lách. Dù gần hai mươi năm qua, trải qua biết bao công việc, vị trí công tác không liên quan gì đến viết lách, văn chương nhưng con chữ cứ thế quấn lấy tôi. Từ ước mơ là cô giáo dạy văn ngày cũ, đến ấn tượng khó phai của chuyến công tác đồn biên phòng năm đầu tiên đi làm, rồi nhiều năm sau đó, hễ có cơ hội lại theo chân các anh bộ đội, các bạn làm thư viện cuối tuần rong ruổi. Những chuyến về đồn, về xã để luân chuyển sách đã giúp tôi có thêm nhiều bạn, được biết thêm các huyện, về những vùng biên giới… mọi thứ lân la từ đó. Dù không phải nhiệm vụ chính được giao, nhưng tranh thủ lúc rảnh tôi lại viết lách, cộng tác với tạp chí, dần dần, viết như niềm đam mê. Tháng nào tạp chí ra, mà không viết được tác phẩm nào, lại cảm thấy như mình bị mắc lỗi, cái cảm giác day dứt, khó chịu là có thật, tự trách bản thân sao không cố gắng hơn dù biết rằng điều đó là không thể. Bởi vậy, gần hai mươi năm gắn bó với Đắk Nông, với phố thị hoa vàng hôm nay, trải qua bao quãng đường, bùn lầy có, bụi mù có… vẫn cảm thấy lựa chọn gắn với mảnh đất này, không chỉ là duyên số, còn cả một niềm tin mãnh liệt vào mảnh đất mới, của không chỉ riêng tôi mà còn nhiều người khác nữa khi đặt chân đến đây, rằng ai rồi cũng đổi thay, sẽ khác và đẹp hơn.

Nói đến Gia Nghĩa hôm nay ai cũng nghĩ đến phố hoa vàng. Bởi hoa vàng đang là loài hoa đặc trưng ở mảnh đất này, mảnh đất trẻ, đầy sức sống mãnh liệt trong tương lai. Nơi ấy đã cho tôi, nhiều bạn trẻ của hai mươi năm trước niềm tự hào của những ngày đầu khi bước chân về phố thị, góp sức xây dựng mảnh đất Đắk Nông nhỏ bé. Thành tựu của tỉnh nhà sau hai mươi năm tái thành lập, là chặng đường để cùng ngẫm, nghĩ và bước tiếp. Đó chính là niềm tin, chỗ dựa để chúng tôi tin vào lựa chọn của mình để tiếp tục gắn bó, viết tiếp câu chuyện 5 năm, mười năm, hai mươi năm sau và có thể lâu hơn thế nữa trên mảnh đất mang tên Đắk Nông này.

Bùi Nhị Đông Khuê