Chiến dịch Tây Nguyên
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 00:21, 14/04/2025
Hướng dẫn trải nghiệm sa bàn ảo:
Bước 1: Rê, giữ, cuộn chuột để tương tác với sa bàn 3D
Bước 2: Kích vào các điểm "VR" để tham gia trải nghiệm công nghệ thực tế ảo kết hợp triển lãm ảnh 360 độ.
Bước 3: Lưu lại bình luận, hình ảnh của bạn trên thanh công cụ "Checkin".
Đến năm 1974, qua các đợt hoạt động của quân và dân ta trên chiến trường, tình hình quân ngụy Sài Gòn ở miền Nam ngày càng bị động, lúng túng về tác chiến và xây dựng lực lượng, trong khi viện trợ của Mỹ ngày càng giảm nên về trang bị và sức chiến đấu của chủ lực VNCH bị giảm sút.
Về ta, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1974, quân và dân ở miền Nam tiếp tục giành được những thắng lợi rất quan trọng trên mặt trận quân sự, chính trị và chống phá bình định của địch, qua đó tạo ra thế và lực mới cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đến tháng 1/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp và hạ quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Đồng thời, ta còn dự kiến một phương án cực kỳ quan trọng: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Xác định hướng tiến công chiến lược và nhiệm vụ cụ thể của từng chiến trường, Bộ Chính trị yêu cầu phải chủ động đón thời cơ chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng tác chiến trên cả hai hướng chiến lược: Tây Nguyên (trọng tâm là Nam Tây Nguyên) là hướng chiến lược quan trọng, chủ yếu; miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng. Đánh chiếm được Tây Nguyên sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền và điều kiện thuận lợi để ta tổ chức các chiến dịch tiếp theo, thực hiện chia cắt địch về chiến lược và phát triển nhanh về Sài Gòn.
Ngày 9/1/1975, Thường trựcQuân ủy Trung ương họp quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về Chiến dịch Tây Nguyên. Tại Hội nghị, ý định giải phóng Buôn Ma Thuột hình thành rõ rệt và Chiến dịch Tây Nguyên chính thức được quyết định mở với mật danh “Chiến dịch 275”.
Tây Nguyên là vùng chiến lược quan trọng, vì vậy địch rất chú trọng hoạt động quân sự nhằm đè bẹp phong trào cách mạng của ba nước Đông Dương, ngăn chặn sự chi viện của ta từ miền Bắc vào và từ vùng núi xuống đồng bằng. Dọc theo đường 14 là hệ thống các căn cứ quân sự, trong đó có các căn cứ cấp sư đoàn và quân đoàn được tổ chức vững chắc thành tuyến phòng ngự cơ bản làm nòng cốt cho hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên.
Lực lượng địch ở Tây Nguyên gồm Quân đoàn 2 thuộc Quân khu 2 (Sở chỉ huy đặt ở Pleiku) và lực lượng tăng cường gồm Sư đoàn 23 bộ binh và 7 tiểu đoàn biệt động quân, 36 tiểu đoàn bảo an, 1 lữ đoàn tăng thiết giáp, 230 pháo lớn, 1 sư đoàn không quân. Đến trước ngày ta nổ sung mở màn chiến dịch, địch bố trí tập trung 8/10 trung đoàn ở Bắc Tây Nguyên (Pleiku, Kon Tum), còn khu vực phía Nam Tây Nguyên (nhất là Buôn Ma Thuột) được xem như là hậu phương, bố trí lực lượng mỏng hơn.
Sau khi hạ quyết tâm mở Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên và chỉ định các đồng chí Trung tướng Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Vũ Hiệp giữ chức Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Khu ủy Khu 5 cử đồng chí Bùi San, Phó Bí thư Khu ủy và đồng chí Nguyễn Cần, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đi cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch trực tiếp chỉ đạo các tỉnh phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực trong chuẩn bị cũng như trong tác chiến. Bộ phận đại diện của Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh do đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng chủ trì cũng được đặt tại Tây Nguyên để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm các sư đoàn bộ binh (10, 320, 316, 3 và 968); bốn trung đoàn bộ binh (25, 29B, 271, 95A); Trung đoàn đặc công 198; hai tiểu đoàn đặc công (14, 27); hai trung đoàn pháo binh (40, 675); ba trung đoàn phòng không (232, 234, 593); Trung đoàn xe Tăng Thiết giáp 273; hai trung đoàn công binh (7, 575); Trung đoàn thông tin 29; Trung đoàn ô tô vận tải và lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum và Gia Lai.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định quyết tâm và kế hoạch chiến dịch: Buôn Ma Thuột - Đức Lập là hướng và khu vực tác chiến chủ yếu, mục tiêu chủ yếu quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột. Hướng và mục tiêu quan trọng là Thuần Mẫn (Cẩm Ga) nhằm cắt đứt đường 14, chia cắt địch về chiến dịch, ngăn chặn dự bị của địch từ Pleiku xuống Buôn Ma Thuột. Hướng phát triển là Phú Bổn, Quảng Đức, chủ yếu là Phú Bổn, bao gồm cả thị xã Cheo Reo. Hướng bao vây chia cắt là trục đường 19 cắt ở An Khê, đường 19 cắt đoạn đông tây Chư Cúc. Hướng kiềm chế nghi binh, giam chân khối chủ lực của Quân đoàn 2 quân ngụySài Gòn là Kon Tum, Pleiku.
Bộ Tư lệnh Chiến dịch cũng xác định cách đánh cụ thể là tiến công nghi binh vào Pleiku và Kon Tum, cắt đường 14, thu hút và giam chân phần lớn chủ lực địch ở bắc Tây Nguyên; cắt đứt hai trục đường 19 và 21 để ngăn chặn, tiêu diệt lực lượng dự bị của địch từ đồng bằng lên Tây Nguyên và quân địch ở Tây Nguyên rút chạy; đánh chiếm Đức Lập, Thuần Mẫn nhằm cô lập thị xã Buôn Ma Thuột; tập trung lực lượng chủ yếu giáng đòn quyết định giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, sẵn sàng đánh bại phản kích của địch. Trận then chốt đánh thị xã Buôn Ma Thuột được dự kiến trong trường hợp địch chưa kịp tăng cường phòng ngự dự phòng, và ngay cả trong trường hợp địch đã tăng cường phòng ngự dự phòng.
Sau thời gian tiến hành công tác chuẩn bị trước và chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch, Bộ Tư lệnh từng bước bổ sung, hoàn chỉnh thêm một bước quyết tâm chiến dịch, tiếp tục hoạt động nghi binh và điều chỉnh, bố trí lực lượng thành các cụm theo nhiệm vụ chiến dịch. Đến ngày 23/2/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng -Tổng Tham mưu trưởng, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh chính thức phê chuẩn quyết tâm, kế hoạch của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên.
Thực hiện kế hoạch tác chiến, ngày 4/3/1975, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Theo đó, từ ngày 4 đến ngày 9/3, ta tổ chức nghi binh, tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch, tạo điều kiện đánh Buôn Ma Thuột. Sau 6 ngày đêm chiến đấu tạo thế chiến dịch, Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị chia cắt từ mọi phía.
Ngày 10/3, quân ta tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột trên 5 hướng: đông bắc, tây bắc, tây nam, tây và tây nam. Địch co về phòng thủ tại căn cứ Sư đoàn 23 ngụy, đồng thời sử dụng 79 lần chiếc máy bay ném bom vào đội hình tiến công của ta.
Đúng 6 giờ ngày 11/3, ta tiến công vào căn cứ Sư đoàn 23 ngụy; sau 2 giờ hoả lực chuẩn bị, bộ binh, xe tăng từ nhiều mũi tiến công, 10 giờ 30 phút ngày 11/3, ta làm chủ trận địa. Trận then chốt thứ nhất thắng lợi ròn rã.
Địch vội vã điều động Sư đoàn 23 quay trở lại tổ chức phản kích, hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột. Để tiêu diệt quân địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã lệnh cho Sư đoàn 10 tập trung lực lượng quyết tâm tiêu diệt toàn bộ địch ở Nông Trại - Phước An và nhanh chóng làm chủ Phước An. Địch co cụm về Chư Cúc.
Ngày 18/3, được pháo binh chi viện, Trung đoàn 28 phối hợp với xe tăng thuộc Trung đoàn 273 tiến công căn cứ Chư Cúc. Trong khi trước đó, đêm 16 rạng 17/3, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 149 từ hai ướng đột phá tiêu diệt phần lớn quân địch tại căn cứ Trung đoàn 53 ngụy. Như vậy, toàn bộ Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 ngụy Sài Gòn bị tiêu diệt và tan rã, kế hoạch phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột của địch bị thất bại hoàn toàn. Trận then chốt thứ hai của chiến dịch thắng lợi, góp phần thúc đẩy chiến dịch phát triển.
Thế quân địch ở Tây Nguyên tan vỡ. Chúng tổ chức lực lượng rút chạy theo đường số 7 về giữ đồng bằng. Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết tâm truy kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy.
Ngày 18/3, ta nhanh chóng ngăn chặn, tiêu diệt và bắt được toàn bộ quân địch ở Cheo Reo, giải phóng thị xã Phú Bổn và tiến xuống Củng Sơn. Từ ngày 17 đến 19/3, ta giải phóng các quận Phú Nhơn, Mỹ Trạch và Phú Thiện.
Ngày 24/3, Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 hiệp đồng với 2 tiêu đoàn của tỉnh Phú Yên tiến công Củng Sơn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, một số ít chạy về Tuy Hòa.
Tiếp đó, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/1975, ta tiếp tục phát triển xuống duyên hải Trung Bộ, diệt Lữ đoàn 3 dù, Trung đoàn 40 bộ binh, Liên đoàn 24 biệt động quân ngụy Sài Gòn, giải phóng Quy Nhơn (31/3), Tuy Hoà (1/4), Nha Trang (2/4), Cam Ranh (3/4). Chiến dịch kết thúc thắng lợi hoàn toàn.
Chiến thắng Tây Nguyên đã tạo cho quân dân ta những điều kiện thuận lợi để chuyển sang cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ngày càng phát triển mạnh mẽ trên khắp các chiến trường và giành thắng lợi ngày càng lớn.
Cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên là một thất bại chiến lược về phương diện quân sự: 75% lực lượng của Quân đoàn 2, gồm Sư đoàn 23, biệt động quân, thiết kỵ, pháo binh, truyền tin và công binh bị hao tổn chỉ trong 10 ngày. Kế hoạch tái chiếm Buôn Ma Thuột cũng bị thất bại và quân đoàn không còn quân. Cộng sản chiếm được Kon Tum và Pleiku không tốn một viên đạn. Với chiến thắng này, 3 sư đoàn 10, 316 và 320 càng phấn khởi đánh mạnh hơn.
Khi đánh giá về thất bại của Mỹ và tay sai Sài Gòn ở Tây Nguyên đã viết: “Trên một khía cạnh, Cộng sản đã mang chiến tranh đến gần Sài Gòn.
Chiến dịch Tây Nguyên làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch trên toàn miền Nam. Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn, bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Những phát triển nghệ thuật quân sự trong chiến dịch là nghệ thuật bày mưu kế, lập thế trận, chọn mục tiêu tiến công và phát triển tiến công. Chiến thắng Tây Nguyên là cơ sở để Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Chiến thắng Tây Nguyên mở ra thời cơ cuộc tổng tiến công chiến lược, tạo ra bước ngoặt quyết định cho giai đoạn toàn thắng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày xuất bản: 11/4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Thực hiện: Thi Uyên
Nội dung: Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Tạ Lư
Mô hình sa bàn: YooLife