Kinh tế

Đắk Nông phòng, chống hạn từ sớm, từ xa

Trần Thị Thoan 12/04/2025 06:56

Phòng chống hạn hán từ sớm, từ xa sẽ giúp giảm thiểu được thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Kỳ vọng từ Nghị quyết 07

Những năm qua, Đắk Nông đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống khô hạn, thiếu nước. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, một số giải pháp vẫn chưa mang tính khả thi cao khi hàng năm, từ chính quyền đến người dân vẫn phải "chạy theo" chống hạn.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông, đến năm 2024, tỷ lệ nước tưới đáp ứng cho diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt 84,04%.

1000006914.jpg
Ông Nguyễn Văn Duẩn, thôn 14, xã Đắk D'rông, huyện Cư Jút cho rằng ao hồ nhỏ, tưới tiên tiến rất hiệu quả để chủ động dự trữ, tiết kiệm nước từ mùa mưa sang mùa khô.

Trong đó, các công trình thủy lợi hiện có chỉ đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 51.481 ha/185.000 ha cây trồng các loại, tương đương 27,76%.

Còn lại, khoảng 104.110 ha (tương đương 56,28%) được tưới từ các ao, hồ nhỏ, giếng đào, giếng khoan của dân, sông, suối và hồ chứa thủy điện. Như vậy, có thể thấy, tỷ lệ diện tích được tưới từ các nguồn nước nhỏ lẻ trong dân là rất lớn.

Nhằm tăng cường sự chủ động của chính các hộ dân trong việc chống hạn tại chỗ, năm 2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 (NQ07) quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Nghị quyết NQ07 quy định 3 nội dung công việc lớn được hỗ trợ. Cụ thể, nội dung thứ nhất là hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước; nội dung thứ hai là hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; nội dung thứ ba là hỗ trợ đầu tư xây dựng cống và kiên cố hóa kênh mương.

1000007025.jpg
Vượt quy hoạch sản xuất cây cà phê ở Đắk Nông làm gia tăng lo ngại ảnh hưởng bởi khô hạn

Các nội dung này đều có quy định chi tiết cho từng vùng, trong đó ưu tiên các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các xã, huyện khó khăn về nguồn nước tưới và các địa bàn còn lại trong tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai NQ07 tại Quyết định số 27 ngày 11/11/2019. Sau một thời gian bị lãng quên, năm 2024, lãnh đạo UBND tỉnh đã kiên quyết chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai lại nghị quyết này.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu về các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng theo NQ07.

Hiện nay, danh mục công trình cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 đã được Sở Tài chính tiếp nhận để tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn triển khai.

dsc_0114.jpg
Hồ đập cạn kiệt hằng năm người dân vẫn phải chạy đua với khô hạn để tìm nước cứu cây trồng

Cụ thể, nhu cầu nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong năm 2025 là hơn 25 tỷ đồng, phục vụ tưới cho 800ha.

Trong đó, 4 huyện Cư Jút, Đắk Glong, Krông Nô và Tuy Đức mỗi huyện được đề xuất hỗ trợ đầu tư 3,6 tỷ đồng, phục vụ tưới 100ha.

Các huyện Đắk Song, Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa được hỗ trợ 2,5 tỷ đồng/địa bàn, phục vụ tưới 100ha. Riêng huyện Đắk Mil đề xuất hơn 3,6 tỷ đồng để phục vụ tưới cho 116ha.

dsc_0028.jpg
Vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh tại huyện Đắk Mil hằng năm đều chịu ảnh hưởng lớn bởi khô hạn

Tổng nhu cầu nguồn vốn cho giai đoạn 2026–2030 là hơn 125 tỷ đồng, phục vụ tưới cho 4.000ha. Trong đó, 4 huyện Cư Jút, Đắk Glong, Krông Nô và Tuy Đức, mỗi huyện có nhu cầu 18 tỷ đồng, phục vụ tưới 500ha.

3 địa phương gồm Đắk Song, Đắk R’lấp và TP. Gia Nghĩa mỗi nơi đề xuất 12,6 tỷ đồng, phục vụ tưới 500ha. Huyện Đắk Mil cần 15,3 tỷ đồng để phục vụ tưới cho 500ha.

Về nội dung này, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: “Đầu tư các công trình lớn thường tốn kém và gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Do đó, hỗ trợ đầu tư ao hồ nhỏ, tưới tiên tiến tại các hộ, nhóm hộ là giải pháp lâu dài để phòng, chống khô hạn tại cơ sở. Đây là hoạt động mang tính công trình và kỹ thuật để tỉnh có thể chống hạn từ sớm, từ xa”.

img_3324(1).jpg
Đầu tháng 4, vườn cà phê của gia đình của bà Vũ Thị Xinh, thôn Đắk Xuân, xã Đắk D'rô, huyện Krông Nô đã ngả màu vàng do thiếu nước tưới

Ông Nguyễn Văn Duẩn, thôn 14, xã Đắk D'rông, huyện Cư Jút cho biết, gia đình ông sinh sống ở vùng thường xuyên khô hạn nên nhiều năm nay đã đầu tư đào ao bạt nhỏ để tích nước từ mùa mưa sang mùa khô.

Ông Duẩn lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến cho gần 1ha cây ăn quả. Theo ông, đây là giải pháp khá hiệu quả để mỗi hộ nông dân chủ động chống hạn từ sớm, từ xa.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Đắk Nông hiện có khoảng 19.500 ao, hồ do người dân tự xây dựng để phục vụ tưới tiêu cho các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tổng nhu cầu nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn năm 2026 - 2030 trên 125 tỷ đồng, phục vụ tưới 4.000ha.

Thực hiện hiệu quả quy hoạch sản xuất

Những năm qua, Đắk Nông đã triển khai các định hướng, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tuy nhiên, nhiều nội dung quy hoạch không đi đúng mục tiêu. Một số loại cây trồng vượt hoặc không đạt quy hoạch về diện tích, làm gia tăng thêm lo ngại về ảnh hưởng của hạn hán đến hiệu quả phát triển nông nghiệp nói chung.

dsc_0118.jpg
Cây cao su của tỉnh Đắk Nông những năm qua giảm mạnh- không đi đúng định hướng

Theo Báo cáo số 421 ngày 23/7/2024 của Sở Nông nghiệp và Môi trường về đánh giá khả năng hoàn thành các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tình hình gieo trồng, sản lượng cây lương thực khó đạt kế hoạch đề ra.

Trong đó, diện tích gieo trồng lúa có khả năng đạt hoặc vượt kế hoạch. Tuy nhiên, diện tích trồng bắp khó đạt được kế hoạch do thời tiết diễn biến bất thường, giá cả bắp không cạnh tranh được với một số cây trồng khác. Từ nay đến hết năm 2025, diện tích bắp dự kiến chỉ ổn định khoảng 35.000 - 37.000 ha/năm.

dsc_0085.jpg
Người dân xã Trường Xuân, huyện Đắk Song chủ động lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng

Đối với cây công nghiệp chủ lực, diện tích cây cà phê, hồ tiêu có khả năng đạt hoặc vượt kế hoạch. Trong khi diện tích và sản lượng cao su, hồ tiêu, điều có thể không đạt mục tiêu.

Nguyên nhân là do thời tiết cực đoan và giá cả thấp khiến người dân chuyển sang trồng cây khác hiệu quả hơn. Ngược lại, một số loại cây ăn quả như sầu riêng, chanh dây vượt kế hoạch đề ra, trong khi bơ khó đạt kế hoạch.

Điển hình, trong 2 năm gần đây, giá cà phê tăng cao khiến diện tích trồng cà phê tăng mạnh. Hiện diện tích cà phê toàn tỉnh đạt hơn 142.000ha, tăng hơn 12.500ha so với năm 2018 và vượt quy hoạch đến năm 2025 khoảng 19.000ha (quy hoạch 123.000ha).

1000007028.jpg
Diện tích cà phê của Đắk Nông vượt quy hoạch đến năm 2025 đến 19.000ha (quy hoạch 123.000ha).

Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cư Jút thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển cây trồng lệch định hướng là một hạn chế lớn.

Điều này làm bộc lộ nhiều hệ lụy trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khan hiếm nguồn nước và dịch bệnh như hiện nay. Đây là điều có thể hiểu được vì người dân thường chạy theo lợi ích kinh tế, thấy cây nào có thu nhập cao thì trồng cây đó.

“Vì vậy, để sản xuất đúng quy hoạch, Nhà nước và doanh nghiệp cần ban hành chính sách, hỗ trợ hiệu quả hơn. Trong đó, phải chỉ rõ cho người dân thấy việc sản xuất đúng quy hoạch sẽ có lợi hơn ngoài quy hoạch, như được vay vốn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn…”, ông Hồ Sơn nhấn mạnh.

dsc_0308.jpg
huyện Đắk Mil có 1 vùng sản xuất cà phê tại xã Thuận An, quy mô 335ha với 1 hợp tác xã và 186 hộ nông dân tham gia

Về phát triển vùng sản xuất tập trung, hàng hóa trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, đến nay, huyện đã được UBND tỉnh công nhận 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đó là vùng sản xuất cà phê tại xã Thuận An, quy mô 335ha, với 1 hợp tác xã và 186 hộ tham gia; vùng sản xuất xoài tại xã Đắk Gằn, quy mô 343ha, với 254 hộ tham gia.

dsc_0407.jpg
Mùa khô năm 2024, nhiều hộ dân Đắk Nông đã phải nạo vét, múc ao hồ nhỏ với độ sâu 2 - 3m để tìm nước cứu cây trồng

Theo ông Hoàng, cả 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội. Trong đó, nổi bật là năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế được nâng cao rõ rệt.

Các vùng sản xuất này đều được người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giúp ứng phó tốt với điều kiện thời tiết, nhất là hạn chế được tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô.

"Sự chủ động của người dân, doanh nghiệp đóng vai tròng quan trọng trong việc phát triển các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Nâng cao nhận thức người sản xuất

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, nhận thức của người dân đóng vai trò then chốt trong việc phát triển nền nông nghiệp thích ứng và bền vững.

Khi người dân hiểu rõ những tác động của hạn hán, mưa cực đoan, hay thời tiết thất thường đến sản xuất nông nghiệp, họ sẽ chủ động thay đổi tư duy, phương thức canh tác để phù hợp với điều kiện mới.

Nhận thức đúng sẽ giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các giải pháp tưới tiết kiệm nước, canh tác hữu cơ và tuần hoàn sinh thái.

img_3316.jpg
Nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài sẽ có khoảng 1.000 ha cây công nghiệp dài ngày tại các xã Nam Xuân, Nâm Nung, Nâm N’đir, Tân Thành, Đắk Drô, huyện Krông Nô có nguy cơ bị hạn

Bên cạnh đó, họ cũng sẽ tích cực tham gia vào các chương trình chuyển giao kỹ thuật, sản xuất theo quy hoạch, giảm dần tình trạng trồng tự phát và khai thác tài nguyên thiếu bền vững.

Nhận thức còn là nền tảng để người dân hợp tác với chính quyền, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.

Do vậy, nâng cao nhận thức cho người dân chính là giải pháp nền tảng trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, chống chịu tốt với biến đổi khí hậu.

Theo ông Trần Văn Diêu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông, để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra và bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, cần thiết phải triển khai các giải pháp một cách bài bản, đồng bộ.

dao ao tru nuoc tai xa dak rong
56,28% diện tích cây trồng của người dân được tưới từ các ao hồ nhỏ, giếng khoan, suối, hồ chứa thủy điện.

Trước hết, Đắk Nông cần rà soát, bổ sung các phương án ứng phó với hạn hán và thiếu nước cụ thể cho từng vùng, địa phương. Cùng với đó, tỉnh nâng cao chất lượng các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai, kịp thời cung cấp thông tin để các cấp, ngành, địa phương và người dân chủ động trong sản xuất, sinh hoạt.

“Giải pháp quan trọng, căn cơ là tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là ở những khu vực thiếu nước, nhằm bảo đảm phát triển bền vững; cần tăng cường ứng dụng các giải pháp tưới tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước”, ông Diêu nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 07, khuyến khích Nhân dân đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, tưới tiên tiến và tiết kiệm nước.

Trên cơ sở danh mục các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được tổng hợp từ các địa phương, cần sớm bố trí đủ nguồn vốn triển khai thực hiện.

kl-d4dc02a60612ef6fb1d2a7c2112c8092(1).jpg
Nông dân huyện Krông Nô chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng khoai lang cho hiệu quả kinh tế cao hơn

Đặc biệt, các địa phương cần thực hiện tốt các quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất đã được tỉnh phê duyệt, theo hướng giảm dần diện tích trồng tự phát, kém hiệu quả, để chủ động các điều kiện sản xuất.

Những khu vực nằm ngoài quy hoạch thủy lợi thì cần chuyển đổi cây trồng phù hợp với khả năng cấp nước tự nhiên, sử dụng giống có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho rằng, quy hoạch hiện nay đã được phân cấp cho các địa phương. Vì vậy, trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch chủ yếu là của cấp cơ sở.

PNAT T4-5 MT

Lãnh đạo các địa phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, tích cực trong việc chỉ đạo sản xuất đúng theo quy hoạch được duyệt.

Chính quyền cơ sở cần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, chuyển hướng sang sản xuất theo hướng an toàn, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thị trường, thay vì sản xuất tự phát, chạy theo giá cả.

Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các nghị quyết, chương trình, dự án đã đề ra. Trong đó, chú trọng phát triển thủy lợi nhỏ, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, hỗ trợ người dân vùng hạn hán từ sớm, từ xa. Từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, giá trị cao và phát triển bền vững

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên

Trần Thị Thoan