Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung được ví là “két nước” khổng lồ của Đắk Nông. Bảo vệ rừng Nâm Nung chính là bảo vệ tài nguyên nước, gìn giữ sự sống cho hôm nay và mai sau.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung được ví là “két nước” khổng lồ của Đắk Nông. Bảo vệ rừng Nâm Nung chính là bảo vệ tài nguyên nước, gìn giữ sự sống cho hôm nay và mai sau.
Với diện tích hơn 23.000ha, trải dài trên địa bàn 10 xã thuộc 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk Song, rừng Nâm Nung mang ý nghĩa to lớn không chỉ về sinh thái mà còn về khí hậu, lịch sử và văn hóa.
Với độ cao 1.578m so với mực nước biển, rừng Nâm Nung là nơi hình thành nhiều dòng suối, con thác cung cấp nguồn nước quý giá cho cả vùng rộng lớn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung rộng hơn 23.000ha
Rừng tự nhiên với tầng tán rậm rạp chính là nơi điều tiết lượng mưa, giữ nước ngầm, ngăn xói mòn và duy trì độ ẩm cho đất. Các chuyên gia đánh giá, rừng Nâm Nung chính là lá chắn quan trọng bảo vệ nguồn nước đầu nguồn.
Rừng Nâm Nung có 2 hệ sinh thái chủ yếu: rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh và rừng hỗn giao tre nứa. Trong đó, rừng lá rộng thường xanh chiếm đến 90% diện tích.
Rừng Nâm Nung lưu giữ nhiều loài gỗ quý, hiếm
Theo khảo sát, hệ thực vật nơi đây có tới 881 loài thuộc 175 họ, với nhiều loài quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, sến mủ, dầu mít…, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Hệ động vật cũng phong phú không kém, với 297 loài có xương sống, trong đó có nhiều loài đặc hữu và quý hiếm như voi, bò tót, voọc chà vá chân đen, báo gấm…
Đặc biệt, rừng Nâm Nung còn là mái nhà của 173 loài chim, 66 loài cá, 37 loài bò sát. Đây là một quần thể sinh học hiếm có giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Nhiều loài động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam xuất hiện ở Khu bảo tôn thiên nhiên Nâm Nung
Rừng Nâm Nung còn là nơi chứa đựng nhiều giá trị địa chất, với hệ thống thác nước, đá thiên thạch tektite và địa hình núi đá granit - những di sản quý hiếm phản ánh lịch sử hàng triệu năm kiến tạo.
Không chỉ mang giá trị sinh thái, Nâm Nung còn là vùng đất linh thiêng, nơi chứng kiến những dấu ấn lịch sử oai hùng. Đây từng là căn cứ khởi nghĩa của thủ lĩnh N’Trang Gưh trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Sau này, Nâm Nung là địa bàn chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ.
Nhiều loài động vật đặc hữu và quý hiếm sinh sống ở rừng Nâm Nung
Rừng Nâm Nung là kho tàng văn hóa phong phú, từ những lễ hội truyền thống đến những món ăn dân dã gắn liền với núi rừng. Những giá trị này càng làm tăng thêm chiều sâu văn hóa cho khu bảo tồn, tạo nên một bảo tàng sống giữa thiên nhiên.
Rừng Nâm Nung có vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Với hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú, Nâm Nung góp phần hấp thụ khí CO₂, điều hòa khí hậu và bảo vệ nguồn nước đầu nguồn. Rừng giúp giảm thiểu tác động của thời tiết cực đoan, hạn hán và xói mòn đất – những hệ quả rõ rệt của biến đổi khí hậu.
Công tác bảo vệ rừng ở Nâm Nung hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Địa hình hiểm trở, đường ranh giới dài, trong khi lực lượng bảo vệ lại mỏng, khiến việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng trở nên vô cùng khó khăn.
Nhiều năm qua, rừng Nâm Nung chịu sức ép lớn từ dân di cư tự do. Họ là những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế nên thường vào rừng khai thác rừng trái phép, săn bắt động vật quý hiếm, phá rừng làm rẫy...
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ rừng
Trước tình hình đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ rừng. Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra định kỳ và đột xuất.
Đơn vị thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Đặc biệt, Ban Quản lý ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 284 hộ dân, với tổng diện tích hơn 3.000ha.
Lực lượng chức năng năng thả 1 cá thể mèo rừng về rừng Nâm Nung
Cách làm này vừa giúp giảm áp lực xâm hại rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, vừa tạo lá chắn từ xa cho rừng Nâm Nung. “Hiện nay, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Những hộ tham gia giao khoán bảo vệ rừng rất tích cực, coi khu rừng như chính tài sản của gia đình mình”, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung cho biết.
Với hệ sinh thái phong phú, cảnh quan kỳ vĩ và giá trị văn hóa – lịch sử đặc sắc, rừng Nâm Nung có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn. Nơi đây có những điểm đến hấp dẫn như thác 7 tầng (thác Cọp) – được mệnh danh là “đệ nhất thác Tây Nguyên”; thác Gấu hoang sơ và thơ mộng; khu rừng đặc dụng...
Rừng Nâm Nung có nhiều dòng suối, thác nước, kiến tạo nguồn nước đầu nguồn cho cả vùng rộng lớn của Đắk Nông
Mới đây, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung ký kết hợp tác với 2 doanh nghiệp để phát triển du lịch sinh thái trên diện tích hơn 743ha rừng. Việc hợp tác không chỉ nhằm khai thác tiềm năng du lịch, mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, tạo nguồn thu bền vững cho công tác bảo vệ rừng.
“Thông qua các hoạt động du lịch, chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ thiên nhiên đến với cộng đồng và du khách. Khi người dân hiểu giá trị của rừng, họ sẽ tích cực chung tay gìn giữ”, ông Mạnh chia sẻ.
Trong bối cảnh Tây Nguyên đang đối mặt với biến đổi khí hậu, những đợt hạn hán gay gắt, mực nước ngầm sụt giảm, vai trò giữ nước của rừng tự nhiên lại càng trở nên quan trọng.
Rừng Nâm Nung không chỉ là “lá phổi xanh” của Đắk Nông, mà còn là nguồn cung cấp nước đầu nguồn cho hàng ngàn ha đất sản xuất và dân cư vùng hạ lưu.
“
Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung rộng hơn 23.300ha, trải rộng trên 10 xã thuộc các huyện Krông Nô, Đắk Glong và Đắk Song. Nơi đây có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, với nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Bảo vệ rừng Nâm Nung chính là bảo vệ nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đó là sự đầu tư lâu dài và bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước cho Đắk Nông một cách bền vững.
Giữa những thách thức của biến đổi khí hậu, xâm lấn rừng và phát triển thiếu kiểm soát, việc bảo vệ rừng Nâm Nung cần được xem là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân.