Chính trị

Hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức sau khi sáp nhập tỉnh

PHẠM ĐÔNG 10/04/2025 18:16

Bộ Nội vụ được giao hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi sáp nhập tỉnh, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.

Hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức sau khi sáp nhập tỉnh
Chuẩn bị sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi sáp nhập tỉnh. Ảnh minh họa: Phạm Đông

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Kế hoạch đã giao nhiệm vụ cụ thể và thời gian thực hiện cho các bộ ngành. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh, ngạch và chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức ở phường, xã, đặc khu khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Bộ Nội vụ có nhiệm vụ hướng dẫn việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Về biên chế, dự thảo Nghị quyết quy định về việc kiện toàn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương quy định số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp và số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được bố trí xuống làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới;

Số lượng này sẽ giảm dần trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nghị quyết về sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành.

Dự thảo nghị quyết quy định thời hạn bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 6 tháng kể từ thời điểm sắp xếp; sau thời hạn này sẽ thực hiện chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ theo vị trí việc làm mới phù hợp với quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc quản lý cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đang xin ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Theo Bộ Nội vụ, việc quản lý công chức theo ngạch, bậc đang phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế, không đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm theo chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay.

Do đó, tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) mới nhất, Bộ Nội vụ đã bỏ hoàn toàn các quy định về ngạch công chức, thay vào đó, dự thảo đưa vào nội dung mới là bố trí công chức theo vị trí việc làm.Cơ quan soạn thảo cho rằng việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc.

Theo kế hoạch của Chính phủ, trước 30/5, hồ sơ đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ được trình Quốc hội. Sau quá trình thẩm tra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Đề án trước ngày 20/6.

Theo kế hoạch thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề án trước 1/5. Trước 30/5, Bộ Nội vụ thẩm định, lập hồ sơ đề án của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

PHẠM ĐÔNG