Sẵn sàng cho ngày khởi công cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đang khẩn trương hoàn tất các bước chuẩn bị để khởi công Dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), tuyến đường mang ý nghĩa lịch sử, mở lối kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Người dân đồng thuận
Sáng sớm, khung cảnh yên bình trên con đường về thôn 8, xã Đắk Ru dường như cũng đang hòa chung nhịp đập háo hức của một sự kiện lớn sắp diễn ra. Chỉ vài tuần nữa thôi, nơi đây sẽ trở thành điểm khởi đầu của một trong những công trình giao thông trọng điểm quốc gia – tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).
.jpg)
Nhà ông Phùng Văn Thành nhộn nhịp người vào ra. Hôm nay, hơn 20 hộ dân tập trung tại nhà ông để tham dự buổi tuyên truyền thông tin về dự án xây dựng cao tốc. Ông Thành cho biết: “Tôi sống ở đây, chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày nhìn thấy một con đường cao tốc chạy ngang qua. Nghe cán bộ xã nói, đường cao tốc sẽ nối Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, đưa hàng hóa đi nhanh hơn, đưa con cháu đi học, đi làm thuận tiện hơn. Tôi mừng lắm!”.
Chia sẻ của ông Thành cũng là tâm sự của hàng trăm hộ dân tại Đắk R’lấp – nơi đang gấp rút hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho lễ khởi công dự án vào trước ngày 30/4/2025.
.jpg)
Gia đình ông Trần Văn Dũng là một trong những hộ bị ảnh hưởng khi xây dựng tuyến đường cao tốc. Ông Dũng cho biết, gia đình hiện có hơn 4ha sầu riêng cho thu hoạch ổn định. Riêng vụ mùa năm rồi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu về hơn 5 tỷ đồng.
Việc tuyến đường đi qua dự kiến sẽ làm mất gần 8 sào đất trồng sầu riêng. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ sự đồng thuận: “Dù có ảnh hưởng đến kinh tế, nhưng tôi và gia đình hoàn toàn ủng hộ. Đây là công trình lớn, có ý nghĩa với sự phát triển chung. Mong đường sớm khởi công, hoàn thành đúng tiến độ để bà con được hưởng lợi”.
.jpg)
Ông cho biết thêm, điều quan trọng là chính quyền cần minh bạch, rõ ràng trong các chính sách đền bù, hỗ trợ để người dân yên tâm, từ đó đồng thuận cao hơn trong việc giải phóng mặt bằng. “Không riêng gì tôi, bà con ở đây ai cũng mong con đường sớm hình thành để giao thương, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn”, ông Dũng nói.
.jpg)
Xã Đắk Ru được chọn làm địa điểm tổ chức lễ khởi công. Theo ông Lê Văn Viện, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Đắk Ru, địa phương đã chủ động khảo sát và lựa chọn vị trí thuận lợi nhất tại thôn 8 để bố trí mặt bằng tổ chức lễ khởi công. Cùng lúc, xã triển khai tuyên truyền, phổ biến thông tin dự án đến từng hộ dân bị ảnh hưởng.
“Khoảng 7km đường cao tốc sẽ đi qua địa bàn xã, ảnh hưởng trực tiếp đến 90 hộ dân với diện tích đất thu hồi khoảng 60ha. Đến thời điểm hiện tại, bà con cơ bản đồng thuận. Điều này là nhờ chúng tôi làm tốt công tác vận động, giải thích kỹ càng về ý nghĩa của tuyến đường và chính sách đền bù, hỗ trợ”, ông Viện chia sẻ.
Chính quyền chủ động vào cuộc
Xác định rõ tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của dự án, huyện Đắk R’lấp đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban và thành lập 6 tổ giúp việc.
Các tổ này bao gồm: Tổ cưỡng chế thu hồi đất; Tổ giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến dự án; Tổ kiểm tra hiện trạng và xử lý các vấn đề phát sinh ngoài phạm vi quy hoạch; Tổ kiểm tra, thẩm định hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tổ rà soát thủ tục thu hồi đất và Tổ tuyên truyền, vận động người dân phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
.jpg)
Đến nay, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) đoạn qua địa bàn huyện Đắk R’lấp (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức 2 cuộc họp quan trọng để triển khai các nội dung liên quan. Trong đó, công tác tuyên truyền được xem là khâu đột phá, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin của người dân với dự án. Tổ tuyên truyền đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức các cuộc họp với các hộ dân, phát hành tờ rơi tóm tắt thông tin dự án dễ hiểu, gần gũi. Đặc biệt, các hộ dân có diện tích bị ảnh hưởng tại khu vực dự kiến tổ chức lễ khởi công đã được tuyên truyền, vận động và cơ bản đồng thuận cao.
Ngoài thông tin về tiến độ và quy mô dự án, Tổ tuyên truyền còn giải thích cho người dân thấy được những cơ hội từ tuyến cao tốc này: giảm tải cho quốc lộ 14, mở rộng liên kết vùng, tạo điều kiện phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến – khai khoáng.
.jpg)
Ông Phan Anh Tuấn, TUV, Bí thư Huyện ủy Đắk R'lấp, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định: “Việc người dân đồng thuận cao như hiện nay là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ từ huyện đến xã. Chính quyền phải hiểu dân, nắm tâm tư, giải đáp nguyện vọng, lắng nghe cả những điều nhỏ nhất. Có vậy mới giữ được lòng dân trong các dự án lớn”.
Theo ông Phan Anh Tuấn, dự án có ý nghĩa chiến lược với cả khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, là cơ hội để Đắk R’lấp bật lên mạnh mẽ. Huyện phải vào cuộc với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và trách nhiệm cao nhất.
Dự án có tổng chiều dài 124,13km, trong đó đoạn đi qua huyện Đắk R’lấp dài khoảng 23,1km, đi qua các xã Kiến Thành, Đắk Sin và Đắk Ru. Giai đoạn 1 được đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe, với tốc độ thiết kế từ 100 đến 120km/h. Riêng công tác giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, nhằm tiết kiệm chi phí và tránh lãng phí nguồn lực trong tương lai. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng tại Đắk R’lấp là khoảng 283ha, ảnh hưởng đến hơn 715 hộ dân.
Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có tổng chiều dài 124,13km, trong đó đoạn đi qua huyện Đắk R’lấp dài khoảng 23,1km, đi qua các xã Kiến Thành, Đắk Sin và Đắk Ru. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng tại Đắk R’lấp là khoảng 283ha, ảnh hưởng đến hơn 715 hộ dân.
Hiện tại, huyện Đắk R’lấp đang tập trung cao độ để hoàn tất các phần việc liên quan đến công tác chuẩn bị mặt bằng tổ chức lễ khởi công trước ngày 30/4/2025. Song song với đó là tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bảo đảm tiến độ dự án.
Ông Phan Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định việc tổ chức lễ khởi công không chỉ là một sự kiện quan trọng đánh dấu bước khởi đầu cho dự án, mà còn là dịp để thể hiện quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị huyện Đắk R’lấp trong việc chung tay thực hiện một công trình mang tầm vóc quốc gia. Toàn huyện đang dồn toàn lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao”.
Đến thôn 8, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp hôm nay, từng đoàn công tác vẫn tấp nập kiểm tra thực địa, đo đạc, bàn bạc, làm việc với dân. Đâu đó, những người nông dân vẫn đang tỉa cành cà phê, nhưng trong ánh mắt, nụ cười của họ ánh lên niềm tin vào một tương lai mới – nơi con đường không chỉ nối những vùng đất xa xôi, mà còn nối gần thêm hi vọng.
