Công nghiệp - Xây dựng

Đắk Nông gặp khó vì quy hoạch khoáng sản chồng lấn giao thông quốc gia

Thế Kha 09/04/2025 17:59

Đắk Nông đang gặp khó vì quy hoạch khoáng sản chồng lấn với đường giao thông quốc gia, mất đi gần 28.300ha quy hoạch sử dụng đất, không có quỹ đất để triển khai các khu tái định cư…

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quy hoạch khoáng sản là hoạt động rất quan trọng trong quản lý tài nguyên và đã được quan tâm, chú trọng.

Dù vậy, quá trình thực thi thời gian qua phát sinh nhiều vướng mắc, mâu thuẫn, bất cập. Điển hình như trường hợp của đang gặp phải.

Đắk Nông gặp khó vì quy hoạch khoáng sản chồng lấn giao thông quốc gia - 1

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Ảnh: Văn Ngân).

Bộ Nông nghiệp và Môi trường dẫn báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông năm 2024 cho thấy, quy hoạch khoáng sản hiện đang chồng lấn với hệ thống giao thông quốc gia. Cụ thể, chồng lấn 221ha với quốc lộ 14, 124ha quốc lộ 28, chồng lấn với đường cao tốc Gia Nghĩa Chơn Thành đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 138/2024.

Quy hoạch khoáng sản cũng ảnh hưởng đến vấn đề đa dạng sinh học ở địa phương này khi có thể làm mất đi gần 28.300ha diện tích cho mục đích quy hoạch đất rừng; 21ha quy hoạch sử dụng đất cho Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và 96ha quy hoạch sử dụng đất cho Vườn Quốc gia Tà Đùng.

Việc triển khai đúng quy hoạch khoáng sản còn có thể khiến Đắk Nông không còn diện tích đất để bố trí được tất cả các hoạt động phi nông nghiệp theo Quyết định số 326/2022 của Thủ tướng Chính phủ như: đất sinh hoạt cộng đồng, đất vui chơi giải trí công cộng, đất ở nông thôn, đất xây dựng trụ sở, đất tín ngưỡng, đất sản xuất vật liệu xây dựng.

Hơn nữa, trên địa bàn Đắk Nông đang có đơn vị hành chính được quy hoạch bauxite chiếm trên 97% diện tích tự nhiên và không còn đất để quy hoạch các hoạt động xã hội khác cho hơn 4.000 nhân khẩu.

Quy hoạch khoáng sản bauxite đang bao chiếm các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường, đất đắp, các khu vực phát triển khu dân cư như hiện nay, dẫn đến không có quỹ đất để triển khai các khu tái định cư phục vụ cho , cơ sở hạ tầng giao thông, công trình xây dựng của nhà máy alumin (đập hồ thải quặng đuôi, hồ bùn đỏ…).

Điển hình tại xã Đắk Rmoan, thành phố Gia nghĩa có diện tích tự nhiên hơn 4.900ha nhưng quy hoạch khai thác bauxite tới gần 4.600ha.

Đắk Nông gặp khó vì quy hoạch khoáng sản chồng lấn giao thông quốc gia - 2

Khai trường khai thác bauxite ở Đắk Nông (Ảnh: VGP).

Tương tự như vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhiều địa phương đang có xu thế hạn chế, thậm chí ngừng khai thác khoáng sản để ưu tiên quỹ đất, tài nguyên thiên nhiên trên khu vực có khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đó dẫn đến chồng lấn, mâu thuẫn giữa quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản với các quy hoạch phát triển khác như quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, du lịch sinh thái. Thực tế đó, theo Bộ này, đã và đang xảy ra ở các tỉnh ven biển như Quảng Bình, Huế, Bình Thuận…

"Công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cấp trung ương do Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện, nhưng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và công tác quản lý tài nguyên khoáng sản do Bộ Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm thực hiện. Vì thế nên một số quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản được phê duyệt trước đây có tính hiệu lực không cao, hoặc thường xuyên bị điều chỉnh", Bộ này nêu vướng mắc.

Hơn nữa, với quan điểm tiếp cận than là khoáng sản năng lượng, Bộ Công Thương đã đưa vào Quy hoạch tổng thể về năng lượng, không thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản. Điều này dẫn đến trong một thời gian dài không thể cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản.

Thậm chí, có khoáng sản sử dụng đa mục đích như đá hoa, dolomit, cát trắng, cao lanh - felspat, bentonit… vừa do Bộ Xây dựng lập (quy hoạch vật liệu xây dựng) vừa do Bộ Công Thương xây dựng (nguyên liệu công nghiệp) dẫn đến một khu vực khoáng sản có thể nằm trong 2 quy hoạch khác nhau.

Luật Địa chất và khoáng sản 2024 giao Chính phủ phân công cơ quan tổ chức lập, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II. Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định quy định mang tính chuyển tiếp sẽ không có giá trị lâu dài.

Từ đó, Bộ này khẳng định những tồn tại, bất cập trên cần sớm được giải quyết, nhằm bảo đảm mục tiêu quản trị tài nguyên khoáng sản phát triển bền vững.

Thế Kha