Nghị quyết 74: Hướng dẫn sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND phường, xã, đặc khu trước 10/4/2025

Chính sách - Ngày đăng : 13:15, 08/04/2025

Đã có Nghị quyết 74 của Chính phủ, theo đó ban hành hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Nghị quyết 74: Hướng dẫn việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND phường, xã, đặc khu trước 10/4/2025 (Hình ảnh từ Internet)

Nghị quyết 74: Hướng dẫn sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND phường, xã, đặc khu trước 10/4/2025 (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 07/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 74/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (sau đây gọi tắt là Kế hoạch).

Nghị quyết 74: Hướng dẫn sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND phường, xã, đặc khu trước 10/4/2025

Cụ thể tại Nghị quyết 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 thì một trong những nhiệm vụ, giải pháp Kế hoạch đặt ra là hoàn thiện chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc sắp xếp ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó, về hướng dẫn việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND phường, xã, đặc khu thì Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành: 

- Hướng dẫn việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND phường, xã, đặc khu; việc công nhận vùng an toàn khu, xã an toàn khu, xã đảo, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng lao động khu thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã; 

- Hướng dẫn việc quản lý công tác văn thư, lưu trữ khi sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã; 

- Hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh, ngạch và chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức ở phường, xã, đặc khu khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã; 

- Hướng dẫn về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND phường, xã, đặc khu; xây dựng vị trí việc làm gắn với biên chế của từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND phường, xã, đặc khu; việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh, tổ chức lại ĐVHC cấp xã và tổ chức thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp trước ngày 10/4/2025.

Như vậy, Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn sắp xếp, kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND phường, xã, đặc khu.

Định hướng cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày

Tờ trình tóm tắt dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như Luật hiện hành. Vì thế, tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp, dự thảo Luật quy định theo hướng:

- Quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn.

- Giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các Ban của HĐND.

- Giao thẩm quyền cho HĐND quyết định thành lập các Ban và quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương.

- Giao Thường trực HĐND được quyết định biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất…

- Cơ bản kế thừa các quy định về cơ cấu tổ chức của UBND theo quy định của Luật hiện hành và giao Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

- UBND ở cấp chính quyền địa phương hoạt động theo chế độ tập thể kết hợp với trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND và từng thành viên UBND.

Quy định rõ các nhiệm vụ của UBND phải thảo luận và quyết định tập thể; các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND được uỷ quyền cho Chủ tịch UBND thực hiện; Quy định theo hướng mở rộng nhiệm vụ, thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND.

Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo quy định hiện hành

Theo Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019), quy định tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính như sau:

-  Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.

- Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.

Xem thêm Nghị quyết 74/NQ-CP ban hành ngày 07/4/2025.