Nông nghiệp - Nông thôn

Dự báo khả năng hạn hán, thiếu nước ở Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 4

Huy Hoàng 06/04/2025 15:14

Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi đã đưa ra những nhận định về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong tháng 4/2025.

Dựa trên những dự báo về xu hướng thời tiết cũng như tình hình thực tế, Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi đã đưa ra nhận định về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong tháng 4. Theo đó, khu vực miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ về cơ bản nguồn nước bảo đảm cung cấp cho sản xuất.

Tại khu vực Nam Trung Bộ, nguồn nước cơ bản bảo đảm cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên tại hồ Ông Kinh (Ninh Thuận) do mực nước hồ đã xuống mực nước chết không đảm bảo cấp nước cho khoảng 60 ha rau màu, vì vậy cần chủ động khai thác nguồn nước ngầm để bơm tưới chống hạn trong thời gian tới.

Khu vực Tây Nguyên, nguồn nước cơ bản bảo đảm cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có thể xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số công trình hồ chứa nhỏ, các công trình đập dâng và vùng ngoài công trình thủy lợi.

Các chủ thủy điện phải xả dòng chảy tối thiểu để dòng sông không bị cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô tại Kon Tum. Ảnh: Thanh Tuấn.
Các chủ thủy điện phải xả dòng chảy tối thiểu để dòng sông không bị cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô tại Kon Tum. Ảnh: Thanh Tuấn

Trong khi đó, khu vực Đông Nam Bộ hiện tại đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 4 đạt khoảng 54% dung tích thiết kế. Với lượng nước trữ của các hồ chứa hiện tại và lượng mưa dự báo trong thời gian tới đây, nguồn nước cơ bản sẽ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, với dự báo nắng nóng diện rộng có khả năng xuất hiện từ tháng 4/2025 nên trong vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở thời gian cuối mùa khô tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 3.000-5.000 ha.

Nhìn chung, tình trạng hạn hán, thiếu nước ở khu vực năm 2025 ở mức “hạn nhẹ”, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp không lớn, thời điểm bị ảnh hưởng cao nhất vào cuối mùa khô (tháng 4), đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu là cây trồng lâu năm nằm ngoài vùng công trình thủy lợi phụ trách tưới.

Về dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng 4/2025, Cục Quản lý và xây dựng công trình thủy lợi nhận định tại vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn có xu thế giảm so với tháng 3/2025. Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long đã qua đỉnh, dự báo từ nay đến hết tháng 4, dòng chảy từ thượng nguồn về ĐBSCL tăng mạnh, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần.

Sản xuất lúa tiết kiệm nước được khuyến cáo khi hạn mặn ngày càng khốc liệt. Ảnh: Nhật Hồ
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL được dự báo giảm. Ảnh: Nhật Hồ

Trong phạm vi cách biển từ 30-40km trở vào, khả năng xuất hiện nước ngọt thường xuyên, thuận lợi cho các công trình thủy lợi lấy nước, nhất là khi triều thấp.

Đại diện Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi cho biết đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về việc tăng cường vận hành công trình thủy lợi lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vùng ĐBSCL.

Huy Hoàng