Đắk Nông không xô bồ lễ hội
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông triển khai nghiêm túc, các lễ hội diễn ra trang trọng theo đúng nghi lễ truyền thống.
Đắk Nông hội tụ của hơn 40 dân tộc, với nền văn hóa dân gian đặc sắc, giàu tính sáng tạo. Các lễ hội của đồng bào các dân tộc phong phú, đa dạng, đặc sắc như: lễ cúng rẫy, lễ kết vòng cúng lúa, lễ cúng tuốt lúa... Các lễ hội liên quan đến phong tục tập quán và sinh hoạt cộng đồng có quy mô lớn, được chuẩn bị công phu và nghiêm túc.

Qua lễ hội, bà con muốn gửi gắm tâm hồn, ước vọng của mình vào thần linh, mong muốn được ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu và nhất là cầu cho các bon làng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lễ hội, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, gắn với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
.jpg)
Hàng năm, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Các huyện, thành phố có văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác quản lý và tổ chức lễ hội dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Trước khi lễ hội diễn ra, cơ quan quản lý Nhà nước, Ban Tổ chức đều cử các cán bộ văn hóa có chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp đến tận cơ sở để xem tình hình thực tế ở nơi diễn ra lễ hội. Các già làng, nghệ nhân được tham khảo về cách thức tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống, phong cách diễn tấu cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, cách biểu diễn các điệu múa, làn điệu dân ca...

Ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong thông tin: “Vào dịp đầu năm mới hàng năm (tức 10/1 âm lịch) , đồng bào Mạ trên địa bàn xã Quảng Khê tổ chức lễ cúng bến nước. Trước khi lễ cúng được diễn ra, chúng tôi luôn cử công an viên, dân quân xã túc trực để bảo đảm an toàn cho người dân lẫn du khách. Tất cả nghi lễ đều thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống. Công tác vệ sinh xung quanh khu vực luôn được bảo đảm”.
Theo Sở VH-TT-DL, các lễ hội trên địa bàn tỉnh được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, có sự tham gia tích cực của người dân. Việc tổ chức lễ hội luôn được thống nhất từ tỉnh xuống cơ sở, được quán triệt và có sự kiểm tra, giám sát kịp thời của các cấp, ngành chức năng…
Việc tổ chức, phục dựng các lễ hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đi vào nền nếp, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của địa phương, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi cuốn hút du khách. Trong suốt quá trình tổ chức, phần lễ luôn thực hiện đúng theo phong tục truyền thống của các dân tộc.
Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại với sự đa dạng, phong phú về loại hình, gắn với đặc trưng vùng miền như: cồng chiêng, múa xoang…
Qua việc tổ chức lễ hội, Nhân dân đã thấy rõ ý nghĩa, vai trò của lễ hội trong đời sống văn hóa tinh thần, từ đó có ý thức bảo tồn, góp phần tạo môi trường văn hóa lễ hội truyền thống tốt đẹp, văn hóa đặc sắc của con người, vùng đất Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.