Công trình trọng điểm ở Đắk Nông không còn thời gian chờ đợi
Nhiều công trình, dự án trọng điểm của Đắk Nông hạn chót hoàn thành trong năm 2025 và tỉnh đang quyết tâm tăng tốc các dự án này.
Tồn đọng vốn ở nhiều công trình lớn
Dự án đường Đạo Nghĩa – Quảng Khê giai đoạn 2 được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt tại Quyết định số 2367, ngày 31/12/2021. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 830 tỷ đồng. Quy mô chiều dài tuyến khoảng 25,77km. Thời gian thực hiện giai đoạn 2022 – 2025.
.jpg)
Dự án có 3 gói thầu gồm: gói thầu số 16, gói thầu số 17, gói thầu số 18. Trong số này, gói thầu số 17, 18 đang vướng giải phóng mặt bằng.
Trong đó, gói thầu số 17 có diện tích giải phóng mặt bằng là 30,76ha của 76 hộ và 4 tổ chức. Gói thầu số 18 vướng 295 hộ, 4 tổ chức, với diện tích 40,89ha.
Đến hết 12/3/2025, dự án đã giải ngân 249 tỷ đồng/830 tỷ đồng vốn. Hiện nay, nguồn vốn năm 2024 còn lại của dự án 148 tỷ đồng đang đề xuất kéo dài thời gian giải ngân đến 31/12/2025. Riêng kế hoạch vốn 2025 là 285 tỷ đồng chưa thực hiện giải ngân.
.jpg)
Tương tự, Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1328, ngày 11/8/2022. Tổng mức đầu tư là 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.
Dự án khởi công xây dựng ngày 27/12/2022. Đến nay, khối lượng thi công hoàn thành đạt khoảng 62% giá trị hợp đồng. Tiến độ giải ngân đến hết năm 2024 là 259/400 tỷ đồng. Riêng năm 2025, dự án được bố trí gần 141 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân.
Khó khăn của dự án hiện nay là đối với phần khối lượng đất đắp khoảng 70.500m3 đã điều phối từ các nguồn để đắp cho dự án nhưng chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Điều này dẫn đến chưa có cơ sở để nghiệm thu cho nhà thầu và thi công bước tiếp theo. Công tác giải phóng mặt bằng do TP. Gia Nghĩa thực hiện chưa được bàn giao hết cho chủ đầu tư.
.jpg)
Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh (QLDA) tỉnh Đắk Nông Hà Sỹ Sơn cho biết, khó khăn nhất trong triển khai các công trình trọng điểm là khâu giải phóng mặt bằng.
Riêng dự án Đạo Nghĩa- Quảng Khê, đơn vị đang phối hợp với TP. Gia Nghĩa, huyện Đắk R’lấp tổ chức vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để triển khai thi công.
Còn dự án Quảng trường trung tâm, đơn vị phối hợp với Ban Quản lý và Phát triển quỹ đất TP. Gia Nghĩa vừa thực hiện kiểm đếm, vừa vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Đắk Nông có 6 dự án được xác định là công trình trọng điểm. Cụ thể, Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2; Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông; Dự án Quảng trường trung tâm TP. Gia Nghĩa; Dự án di dời, tái định cư cho 212 hộ dân ở khu vực trung tâm TP. Gia Nghĩa; Dự án hồ Gia Nghĩa; Dự án khu liên hiệp Bảo tàng, Thư viện và Công viên tỉnh Đắk Nông. Tổng mức vốn đầu tư của 6 công trình trọng điểm là 2.982 tỷ đồng.
Không còn thời gian để chờ đợi
Năm 2025, tỉnh Đắk Nông có kế hoạch giải ngân 3.504 tỷ đồng, phục vụ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh còn đọng vốn rất lớn.
Chỉ đạo tại buổi thực địa các công trình trọng điểm ngày 12/3, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh phải giải quyết được khâu giải phóng mặt bằng.

Chỗ nào đã có mặt bằng, chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai trước. Không được chờ đợi dẫn đến chậm trễ. Về phía TP. Gia Nghĩa tích cực vận động người dân ủng hộ, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.
“Muốn làm tốt điều này, cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành liên quan, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải thực sự nhịp nhàng, chặt chẽ. Tránh trường hợp mạnh ai nấy làm, dẫn đến hiệu quả không khả thi”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo.
Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp với TP. Gia Nghĩa trong công tác giải phóng mặt bằng. Những trường hợp nào chắc chắn chốt được tái định cư, phải tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ ngay.
Chỗ nào giải phóng được, chủ đầu tư, nhà thi công bắt tay vào làm luôn. Trường hợp nào cố tình chống đối, biện pháp cuối cùng là kiên quyết cưỡng chế.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh năm 2025 không còn đường lùi. Thậm chí, có những khoảng trống không còn lùi được, mà bằng mọi giá Đắk Nông phải làm bằng được.
“Các dự án, công trình phải bắt tay tăng tốc gấp từ 5 - 6 lần. Muốn làm được điều này, về phía chủ đầu tư, tích cực mời những nhà thầu, nhất là những nhà thầu của các dự án trọng điểm để làm việc và có cam kết với địa phương. Những nhà thầu còn vướng pháp lý, chủ đầu tư phải quản lý chặt nguồn tiền của mình, tránh tình trạng nể nang trong xử lý công việc”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo.
.jpg)
Về giải ngân vốn đầu tư, quyền Giám đốc Sở Tài chính Trần Đình Ninh cho rằng, năm 2025, không đổ thừa bô xít, đất đắp mà hoàn toàn là trách nhiệm chủ quan của các chủ đầu tư. Chủ đầu tư căn cứ vào những tồn tại, hạn chế của năm 2024 để rút kinh nghiệm.
“Không ai khác, chủ đầu tư phải chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, nhiều nguồn vốn nếu không giải ngân hết, phải trả lại. Trong khi, thời điểm này, xin được một đồng cũng rất khó nên không nên lãng phí”, ông Ninh cho hay.
Theo ông Ninh, hiện nay, các chủ đầu tư đã nắm chắc được mình có bao nhiêu dự án, bao nhiêu tiền trong tay. Chỗ nào khó khăn, không làm được, ngay từ bây giờ cần được xác định rõ ràng để tính toán chuyển vốn, trả vốn.
Năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư công của Đắk Nông là 3.504 tỷ đồng, cao hơn 117 tỷ đồng so với tổng kế hoạch vốn được Bộ Tài chính thông báo, Trong đó, nguồn ngân sách địa phương 1.126 tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương 2.377 tỷ đồng.