Nông nghiệp Đắk Nông ứng dụng công nghệ cao từng khâu
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở từng khâu, bảo đảm phù hợp với nguồn lực hiện nay.
Gia đình ông Trần Văn Hoạt, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (TP. Gia Nghĩa) ứng dụng công nghệ cao nhiều nhất ở khâu chăm sóc. Ông đang phát triển các loại rau, củ, quả trong nhà màng với diện tích khoảng hơn 5000 m2.

Cụ thể, khâu bón phân, tưới nước của ông triển khai khá đồng bộ, tự động từ hệ thống chính. Các chỉ tiêu, thành phần, hàm lượng phân bón cho cây trồng được đo đạc bằng máy.
Máy móc, hệ thống tưới thông minh giúp ông bảo đảm được đúng tỷ lệ nước, thành phần phân bón, chất dinh dưỡng đối với mỗi giai đoạn phát triển của cây.

Hệ thống máy móc giúp ông có thể điều chỉnh được kịp thời các dinh dưỡng cho cây để nâng cao chất lượng sản phẩm ở giai đoạn củ, quả trưởng thành, chuẩn bị thu hoạch.
Nhờ đó, các loại nông sản của gia đình sản xuất theo quy trình VietGAP gồm dưa lưới, dưa hấu, dưa leo, cà chua được đánh giá cao về chất lượng, được người tiêu dùng ưu chuộng.

Gia đình chị gia đình chị Nguyễn Thị Sương, thôn 15, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp hiện có 3ha cà phê, trong đó 2ha đã cho thu hoạch chính.
Năm 2024, dù gặp nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khô hạn nhưng 2ha cà phê kinh doanh của gia đình vẫn đạt năng suất khá cao, gần 3,5 tấn/ha. Theo chị, mấu chốt là ở chỗ, gia đình canh tác bằng giống chất lượng cao được cung ứng bởi một địa chỉ uy tín.

Chị Sương cho rằng, giống cà phê mới gia đình trồng là Thiện Trường nổi bật với khả năng chống chịu bệnh rỉ sắt, rệp sáp tốt. Điều này giúp giảm thiểu chi phí chăm sóc và tăng khả năng bảo vệ mùa màng.
Chị Sương cho biết thêm, giống cà phê mới cũng có năng suất cao và chất lượng hạt ổn định, làm cho nó trở thành lựa chọn phổ biến cho những vùng trồng cà phê có khí hậu khắc nghiệt, năng suất khá cao và ổn định. Tỷ lệ nhân xô giống cà phê này đạt cao, trên 70% cũng là một ưu điểm mà gia đình ưa chuộng.

Chị Sương khẳng định, gia đình đã có truyền thống trồng cà phê từ nhiều đời, việc ứng dụng công nghệ cao từ khâu giống được chị coi là có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả kinh tế.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông cho biết, những năm qua, ứng dụng công nghệ cao đã mang lại nhiều hiệu quả cho nông nghiệp tỉnh.
Trong đó, ứng dụng công nghệ cao đã giúp nâng cao thu nhập trên một ha đất canh tác. Nhiều khâu, công đoạn được người dân ứng dụng công nghệ, nhân rộng đạt kết quả cao như đối với khâu giống, tưới tiên tiến, chăm sóc.
Đắk Nông có trên 95.000ha cây trồng các loại có ứng dụng một phần công nghệ cao như giống mới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất chứng nhận, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến...
Sản lượng hàng hóa nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao ước đạt trên 420.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất bình quân trên ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2024 đạt 117 triệu đồng.
Cũng theo Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, kết quả phát triển chung của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đắk Nông vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là sự đầu tư, hỗ trợ từ phía Nhà nước chưa lớn, chưa tạo được sức bật.

Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn được coi trọng thì việc chú trọng ứng dụng công nghệ vào mỗi khâu cụ thể được coi là một giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất.
Thực tiễn ở đây là nguồn lực của nông hộ, tổ hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp tỉnh. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là từ cái cụ thể, chứ không phải xa vời, mục tiêu quá to lớn, bảo đảm được tính bền vững, chắc chắn, nhất là khi gắn với các chuỗi giá trị, liên kết.
Đắk Nông đã công nhận được 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng quy mô 3.556ha, gồm cà phê, hồ tiêu, lúa, xoài.