Hướng dẫn kinh phí ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững
Chính sách - Ngày đăng : 15:30, 14/03/2025
Hướng dẫn và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững (Hình từ internet)
Theo Thông tư 09/2025/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" kèm theo Quyết định 167/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Căn cứ theo Thông tư 09/2025/TT-BTC thì việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được quy định như sau:
Quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững.
Cụ thể, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững được quy định ở Điều 5 Thông tư 09/2025/TT-BTC như sau:
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững theo các nội dung quy định tại Chương trình 167 và nội dung hỗ trợ tương ứng quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP. Các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xác định nội dung hỗ trợ cụ thể và đối tượng được hỗ trợ theo đúng quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP khi thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững.
- Nội dung chi, xác định chi phí, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững theo quy định tại Thông tư 52/2023/TT-BTC. Mức ngân sách nhà nước hỗ trợ cho từng nội dung theo định mức hỗ trợ cao nhất quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP.
Quy định bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 09/2025/TT-BTC bố trí kinh phí ngân sách nhà nước
ngân sách trung ương bố trí cho các hoạt động của Chương trình 167 do các bộ, cơ quan trung ương thực hiện, ngân sách địa phương bố trí cho các hoạt động của Chương trình 167 do các cơ quan ở địa phương thực hiện và theo những quy định sau:
- Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nội dung tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2025/TT-BTC được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 09/2025/TT-BTC; đối với các tổ chức hiệp hội quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 09/2025/TT-BTC thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và theo pháp luật về hội.
- Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nội dung tại điểm d khoản 1 Điều 4 và Điều 5 Thông tư 09/2025/TT-BTC được lồng ghép vào nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và bố trí theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 Thông tư 52/2023/TT-BTC.
- Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nội dung tại Điều 6 Thông tư 09/2025/TT-BTC được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan triển khai hoạt động quản lý Chương trình và theo mức quy định tại Chương trình 167.
Hiện nay, căn cứ tại Điều 8 và Điều 9 Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định về việc xác định tổng nguồn vốn, và tổng doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể như sau:
Xác định tổng nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Tổng nguồn vốn của năm được xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Tổng nguồn vốn của năm được xác định tại thời điểm cuối năm.
- Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ.
Xác định tổng doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế.
- Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn quy định tại Điều 8 Nghị định 80/2021/NĐ-CP để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguyễn Tùng Lâm