Kinh tế

Chanh dây Mơ Nông - Hướng đi mới cho Đắk Nông

Hưng Nguyên 04/03/2025 08:31

Sản phẩm chanh dây Mơ Nông đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao đã tạo bước ngoặt lớn cho loại cây trồng này ở Đắk Nông.

Anh Nguyễn Chí Long sản xuất chanh dây nhiều năm ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông). Hiện nay, anh có 5ha chanh dây sản xuất theo quy trình hữu cơ, sinh học và liên kết với nhiều hộ dân trên địa bàn để kết nối tiêu thụ.

z6365948281689_af864f3c9a850b8398dd63ac249798f4(1).jpg
Anh Nguyễn Chí Long sản xuất chanh dây nhiều năm ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông)

Chia sẻ về lý do chọn chanh dây ngọt để xây dựng thành sản phẩm đặc trưng chanh dây Mơ Nông anh Long cho biết, Đắk R’lấp có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây chanh dây, đặc biệt là giống chanh dây ngọt.

Giống chanh dây ngọt của Nafood I có nhiều ưu điểm như: vỏ mỏng, ruột nhiều, hàm lượng dinh dưỡng cao và hương thơm đặc trưng.

Ngoài giống, anh Long và các hộ liên kết đang áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, giúp sản phẩm bảo đảm chất lượng an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chanh dây ngọt Nafood I còn có thời gian bảo quản lâu hơn, giúp việc vận chuyển và tiêu thụ thuận lợi hơn.

z6365948281776_7c30bacf3038bef200eac78da9382f49(1).jpg
Sản phẩm chanh dây Mơ Nông không chỉ đạt chất lượng cao mà còn đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm

Theo anh Long, quy trình sản xuất chanh dây ngọt được thực hiện nghiêm ngặt theo hướng hữu cơ. Ngay từ khâu chọn giống, cây chanh dây được tuyển chọn kỹ lưỡng nhằm bảo đảm khả năng sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh cao.

Trong quá trình canh tác, anh Long và các hộ liên kết sử dụng các biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh, thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Phân bón hữu cơ được sử dụng để cải tạo đất, chăm sóc cây trồng giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tự nhiên và phát triển khỏe mạnh.Hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại được áp dụng nhằm tiết kiệm nước và cung cấp độ ẩm tối ưu cho cây.

Bên cạnh đó, anh Long và các hộ dân áp dụng quy trình thu hoạch và bảo quản chặt chẽ. Chanh dây được thu hái vào đúng thời điểm chín tới, đảm bảo độ ngọt tự nhiên.

Sau khi thu hoạch, quả chanh dây được tuyển lựa, phân loại và bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn để giữ nguyên chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Nhờ quy trình sản xuất nghiêm ngặt này, sản phẩm chanh dây ngọt với thương hiệu chanh dây Mơ Nông không chỉ đạt chất lượng cao mà còn mang những đặc trưng riêng có nhờ khí hậu thổ nhưỡng địa phương. Sản phẩm đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu.

z6366022909691_a931924034cac1bdacb30a594850c357(1).jpg
Sản phẩm chanh dây Mơ Nông của anh Long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cuối năm 2024

Giống chanh dây ngọt sau thời gian sản xuất tại địa phương cho thấy năng suất cao, với trên 30 tấn/ha trở lên, quả loại 1 lên đến 70%. Ngoài ra, giá thu mua loại chanh này dao động từ 15.000 - 70.000 đồng/kg.

Anh Long cho biết, với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng và quy trình chăm sóc riêng có tại địa phương, anh mong muốn xây dựng thương hiệu chanh dây Mơ Nông gắn với vùng đất Đắk Nông.

Đây là cây trồng có thể phát triển thành chủ lực, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập ổn định và nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP diễn ra vào cuối năm 2024, chanh dây Mơ Nông của anh Long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao.

z6365949344819_1043bcda2e2e39f6078abb3fb42c4f67(1).jpg
Anh Nguyễn Chí Long ở xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) sản xuất chanh dây ngọt và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng địa phương

Theo đánh giá của ngành chức năng, sản phẩm chanh dây ngọt của anh Long và các hộ liên kết mang những đặc trưng riêng có tại địa phương. Sản phẩm đã làm đa dạng thêm các ngành hàng nông sản của Đắk Nông.

Thống kê của ngành Nông nghiệp cho thấy, Đắk Nông có hơn 713 ha chanh dây, năng suất bình quân đạt 8,11 tấn/ha, sản lượng đạt 4.815 tấn/năm.

Chanh dây tập trung nhiều ở các huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Song... Loại cây trồng này phát triển mạnh diện tích từ khi có thông tin xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, sản xuất chanh dây ở Đắk Nông nhiều năm qua thiếu ổn định, đầu ra và giá cả bấp bênh, dịch bệnh xảy ra nhiều.

Mô hình sản xuất chanh dây bền vững như của anh Nguyễn Chí Long sẽ là hướng đi mới cho loại cây trồng này. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá để nhân rộng mô hình này, giúp ổn định sản xuất chanh dây ở Đắk Nông.

Hưng Nguyên